Tình trạng thiếu nhà ở toàn cầu đang cản trở tăng trưởng nhờ nhập cư
Trong nhiều thập kỷ, dòng người di cư nhanh chóng đã giúp các quốc gia bao gồm Canada, Australia và Anh ngăn chặn lực cản nhân khẩu học do dân số già đi và tỷ lệ sinh giảm. Song, điều này hiện đang bị phá vỡ, khi lượng người đến tăng vọt kể từ khi biên giới mở cửa trở lại sau đại dịch đã dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở kéo dài.
Theo một phân tích của Bloomberg Economics, tổng cộng 13 nền kinh tế trên khắp thế giới phát triển đã rơi vào tình trạng suy thoái bình quân đầu người vào cuối năm ngoái. Trong khi có những yếu tố khác, chẳng hạn như sự chuyển đổi sang các công việc dịch vụ kém năng suất hơn và thực tế là những người mới đến thường kiếm được ít tiền hơn, cùng với tình trạng thiếu nhà ở và các căng thẳng liên quan đến chi phí sinh hoạt…
Nỗi lo này ngày càng tăng xung quanh cuộc khủng hoảng nhà ở đã buộc Chính phủ Canada phải thu hẹp lại các mục tiêu về nhập cư, tạm dừng việc tăng mục tiêu thường trú nhân, cũng như lần đầu tiên đặt ra giới hạn đối với sự gia tăng số lượng cư dân tạm trú.
Theo đó, mục tiêu của Canada hiện là cắt giảm 20% số lượng lao động nước ngoài tạm trú, sinh viên quốc tế và người xin tị nạn, tương đương khoảng nửa triệu người trong 3 năm tới. Điều đó dự kiến sẽ giảm hơn một nửa tốc độ tăng dân số hàng năm xuống mức trung bình 1% trong giai đoạn 2025 - 2026.
Australia cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở tồi tệ nhất. Giấy phép xây dựng căn hộ và nhà phố đang ở gần mức thấp nhất trong 12 năm, và vẫn còn tồn đọng khá lớn các công trình xây dựng. Nỗi lo thiếu nhà ở, giá thuê nhà tăng vọt và giá nhà tăng cao đã khiến Chính phủ Australia phải thắt chặt thị thực sinh viên.
Trong khi đó ở châu Âu, Đức đang chứng kiến suy thoái bình quân đầu người. Pháp, Áo và Thụy Điển cũng nằm trong số những quốc gia ghi nhận suy thoái bình quân đầu người. Ở Anh, mức độ di cư kỷ lục đã bắt đầu đè nặng lên nền kinh tế. Việc thiếu nguồn cung cũng khiến chi phí thuê nhà tăng vọt với tốc độ kỷ lục trong 12 tháng qua, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Giám đốc Viện Nghiên cứu tài chính Anh Paul Johnson nhận định rằng, nhập cư đã giúp các nhà tuyển dụng giải quyết tình trạng thiếu lao động trên diện rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và chăm sóc xã hội. Phần lớn mức tăng trưởng trong những năm 2010 là nhờ di cư ròng, và xét về quy mô tổng thể của nền kinh tế thì điều đó thực sự quan trọng.