Tố cáo Alibaba là cách tự bảo vệ mình
Việc nộp đơn tố cáo là căn cứ để cơ quan CSĐT xác định người liên quan, tài sản bị chiếm đoạt, góp phần giải quyết toàn diện vụ án, tăng khả năng thu hồi lại được số tiền đã đầu tư vào Alibaba
Theo kết quả xác minh ban đầu, đến nay đã có 6.700 người bị đưa vào trò lừa đảo mang tên Alibaba, số tiền khách hàng đã đầu tư vào các dự án "ma" lên đến gần 2.500 tỉ đồng. Những con số này đã lột tả phần nào mức độ nguy hiểm và hậu quả nặng nề mà Công ty CP Địa ốc Alibaba (viết tắt Alibaba) gây ra cho khách hàng.
Bài học đắt giá
"Nguyên nhân thứ nhất xuất phát chủ yếu từ việc sử dụng thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, với một đội ngũ lãnh đạo giỏi lừa đảo và đội ngũ nhân viên phục tùng tuyệt đối, Alibaba đã dần dần chiếm được lòng tin của khách hàng. Chấp nhận thua lỗ giai đoạn đầu để tăng trưởng lợi nhuận, về sau dụ dỗ "con mồi" với những lý thuyết "sẽ giàu lên nhanh chóng" khi góp vốn vào Alibaba, Alibaba đã đưa từng "con mồi" về tổ. Nguyên nhân thứ hai, xuất phát từ cách quản lý địa bàn quá lỏng lẻo của chính quyền địa phương cũng như việc xử lý chậm chạp đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân" - luật sư (LS) Võ Đan Mạch (Đoàn LS TP HCM) phân tích.
Còn theo TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP HCM), có thể thấy đây là vụ án có tính chất phức tạp về quy mô, liên quan đến nhiều cá nhân, thể hiện sự tinh vi, có dấu hiệu vận dụng các quy định của pháp luật không đúng, nhằm mục đích lừa đảo khách hàng. "Chính quyền địa phương là cơ quan có chức năng quản lý mật thiết vấn đề đất đai, xây dựng hạ tầng ở địa phương. Trong quá trình điều tra, nếu có cơ sở cho thấy cán bộ địa phương có dấu hiệu vi phạm, cố ý vi phạm thì sẽ có thể bị xử lý hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự với vai trò độc lập hoặc đồng phạm" - TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết.
6.700 nạn nhân bị chiếm đoạt 2.500 tỉ đồng, chắc chắn không đơn giản chỉ có 1-2 cá nhân thực hiện được. Vì vậy, theo LS Võ Đan Mạch, ngoài các lãnh đạo của Alibaba bị bắt giữ, khởi tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", các nhân viên của công ty này cũng không tránh khỏi liên can. Tuy nhiên, để xác định ai là đồng phạm, phải đợi kết luận của cơ quan điều tra (CQĐT). Những người thân cận với Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh, những cá nhân có liên quan được nhắc đến trong đơn tố cáo, nếu có đủ bằng chứng chứng minh việc tố cáo là có cơ sở, sẽ bị xác minh, điều tra. Với những nhân viên của Alibaba, nếu biết rõ "dự án ma" mà vẫn ra sức thuyết phục, bảo đảm để khách hàng mua thì đó là hành vi trái pháp luật. Tùy vào mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi, hậu quả gây ra trên thực tế sẽ bị xem xét xử lý. Nếu bị xác định là đồng phạm, họ sẽ bị truy tố theo tội danh của những người chủ mưu và tùy mức độ phạm tội của từng người, sẽ có những khung hình phạt khác nhau.
Được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp
Một khi CQĐT đã vào cuộc, trách nhiệm của những người liên quan là khó tránh khỏi. Nhiệm vụ của người dân là cung cấp tin báo tội phạm, chứng cứ để CQĐT thuận lợi đưa vụ việc ra ánh sáng.
TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết với tư cách là người tố cáo, các cá nhân tố cáo Alibaba sẽ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 như được bảo mật thông tin, được thông báo về kết quả giải quyết vụ án. Nếu hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố vụ án thì sẽ trở thành người bị hại trong vụ án và được tòa án bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp theo nội dung xét xử. Trong trường hợp này, đây cũng chính là cách thức để khách hàng có thể tự bảo vệ mình, tránh ngày càng lún sâu vào những lời hứa hão của lãnh đạo Alibaba, tăng khả năng thu hồi lại được số tiền đã đầu tư vào Alibaba.
Đặc biệt, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại nên dù người dân không tố cáo nhưng qua quá trình xác minh có dấu hiệu phạm tội thì vụ án vẫn được khởi tố và giải quyết theo quy định pháp luật. Việc nộp đơn tố cáo là căn cứ để cơ quan CSĐT xác định người liên quan, tài sản bị chiếm đoạt để góp phần giải quyết toàn diện vụ án.
"Việc phong tỏa tài khoản của Alibaba và các cá nhân có liên quan trong vụ án là biện pháp khẩn cấp và cần thiết nhằm mục đích bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Việc giải quyết số tiền trả lại cho khách hàng và khả năng lấy lại tiền sẽ phải phụ thuộc vào bản án có hiệu lực của TAND cấp có thẩm quyền về việc giải quyết quyền, nghĩa vụ của các bên trong giao dịch hoặc liên quan đến hành vi phạm tội. Nếu Alibaba và các cá nhân có liên quan có trách nhiệm phải hoàn trả, thanh toán tiền cho khách hàng thì số tiền trong tài khoản phong tỏa sẽ được xem xét giải quyết để bảo đảm thi hành án" - TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nhấn mạnh.
Còn theo LS Võ Đan Mạch, sau khi cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thì tại thời điểm giải quyết tiền bồi thường, nếu xem xét hồ sơ đầy đủ hợp lệ, CQĐT có thể xem xét trả một phần số tiền đã đóng vào Alibaba cho bị hại. Về 600 ha đất nông nghiệp có được xem là tang vật của vụ án hay không, LS Võ Đan Mạch cho rằng quyền sử dụng đất đối với 600 ha đất nông nghiệp không phải là vật chứng của vụ án. Mặt khác, cho đến thời điểm hiện tại, 600 ha đất nói trên đa phần chưa có cơ sở nào để chứng minh thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Alibaba vì chưa được làm các thủ tục pháp lý, chưa chuyển đổi sang đất thổ cư, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép. Do vậy, hiện nay không có căn cứ và cơ sở để xử lý, bán đấu giá những lô đất này để bồi thường thiệt hại cho người dân.
Gần 500 đơn tố cáo
Đến chiều 23-9, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã tiếp nhận gần 500 đơn tố cáo của các nạn nhân ở TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... tố cáo hành vi lừa đảo của anh em Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba).
Cũng trong ngày 23-9, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã ra quyết định tạm giữ lần 1 đối với Nguyễn Thái Luyện để điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trước đó, ngày 18-9, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP HCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Thái Luyện.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Thái Luyện được xác định là chủ mưu, chỉ đạo em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh (tổng giám đốc Alibaba) mua đất nông nghiệp, sau đó dùng pháp nhân Alibaba và hệ thống công ty con lập dự án "ma", phân lô rồi quảng cáo trên mạng xã hội để bán đất nền. Có đến hàng ngàn người đã ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng nền đất dưới dạng thổ cư.
Theo dõi sát hoạt động của Alibaba
Theo lịch tổ chức sự kiện Ailbaba đã đăng tải trên fanpage Facebook gần 1 tháng trước, công ty này sẽ tổ chức tour du lịch đi Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) trong 2 đợt vào 2 ngày 23 và 25-9.
Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin TP Phan Thiết cho biết đến thời điểm này, trên địa bàn không có đoàn khách nào của Alibaba đến lưu trú.
Về 2 dự án "vẽ vời" của Alibaba trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (Alibaba Thắng Hải Newtimes City - xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân và ALi Venice City - xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân), lãnh đạo 2 địa phương cho biết hiện tại các dự án không có nhân viên Ailbaba dẫn khách hàng đến. Bà Phạm Thị Hải, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, cho biết hơn 2 tháng trước, tại dự án ALi Venice City lúc nào cũng có nhiều xe của Ailbaba chở khách hàng đến xem đất nhưng nay không có nhân viên môi giới hay khách hàng nào. Còn theo ông Lê Sanh, Chủ tịch UBND xã Thắng Hải, hơn 2 tháng nay, tại dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City cũng không có sự xuất hiện rầm rộ của những nhân viên Alibaba như trước. Địa phương luôn theo dõi sát hoạt động tại các dự án của Alibaba trên địa bàn.
Sau khi 2 anh em Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Luyện bị bắt, 2 trang web của công ty sử dụng để giới thiệu các dự án nhà ở, đất nền và đăng thông tin tuyển dụng có tên miền https://tapdoandiaocalibaba.com và https://diaocalibaba.vn đã không còn hoạt động. Hiện trang fanpage Facebook có tên Địa ốc Alibaba đăng các video và livestream trấn an khách hàng cũng đã ngưng hoạt động
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/to-cao-alibaba-la-cach-tu-bao-ve-minh-20190923210606111.htm