Tổ chức diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao
Ngày 5/11, tại tỉnh Phú Thọ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã phối hợp tổ chức Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao.
Theo đó, diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao” là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2023, trong đó, riêng với cây chè, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống chè mới đến năm 2025 có khoảng 70% diện tích chè giống mới, nâng cơ cấu giống cho sản xuất chè xanh chất lượng cao khoảng 50%, chè Olong và các loại chè chất lượng cao khác khoảng 20%.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000 ha, giảm khoảng 12.000 ha so với năm 2015, tốc độ giảm bình quân 0,32%/năm.
Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cũng chỉ ra nguyên nhân, Lâm Đồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã chuyển đổi diện tích chè già cỗi, giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang cây trồng khác, đặc biệt chuyển đổi sang cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, trái ngược với diện tích, trong khoảng thời gian này, năng suất chè tăng từ 85,9 tạ/ha lên 100,3 tạ/ha. Điều này đạt được là do thay đổi cơ cấu giống và kỹ thuật canh tác. Tuy diện tích giảm nhưng do năng suất tăng nên sản lượng chè năm 2022 đạt 1,125 triệu tấn, tăng 125.000 tấn so với năm 2015.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh thông tin, năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt khoảng 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 17% về lượng và 11% về giá trị so với năm 2022. Giá chè xuất khẩu trung bình trong năm 2023 ước đạt 1.737 USD/tấn, tăng 7,3% so với năm 2022.
Dự báo sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đến năm 2030 đạt 136,5 nghìn tấn, tăng trung bình 0,82%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè sản xuất ra. Các thị trường chính của sản phẩm chè Việt Nam vẫn là Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia,… và chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao ở thị trường EU…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nhấn mạnh: Hiện nay, đã có một số ít mô hình liên kết nông - công nghiệp trong ngành chè. Các mô hình này đã và đang chứng minh là mô hình phát triển hiệu quả và tương đối bền vững, như: Công ty CP Chè Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Công ty TNHH MTV Chè Biển Hồ (Gia Lai), Công ty CP Chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Công ty CP chè Than Uyên (Lai Châu)...
Các địa phương cũng đã tập trung xây dựng những vùng chè an toàn, chất lượng cao. Tỉnh Hà Giang có gần 21 nghìn hecta chè, trong đó hơn 70% diện tích là chè shan tuyết cổ thụ. Xác định đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2016 đến nay, Hà Giang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với số vốn đầu tư hơn 56 tỉ đồng, trong đó, tập trung cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP cho gần 12 nghìn hecta. Hà Giang cũng đã xây dựng, được công nhận chỉ dẫn địa lý "Chè shan tuyết Hà Giang" cho gần 17 nghìn hecta chè trên địa bàn tỉnh.
Ông Hoàng Vĩnh Long cho biết, Thái Nguyên có 17.824ha chè giống mới, chiếm gần 80% diện tích; gần 2.500ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, hàng trăm hecta chè được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Tỉnh Tuyên Quang cũng đã sản xuất các sản phẩm chè bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn EU, giúp giảm giá thành sản xuất, chè thành phẩm được bán với giá cao hơn, thị trường được mở rộng và ổn định nhờ công nghệ sản xuất đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý của các tập đoàn lớn trên thế giới…
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thông tin, sản phẩm chè khi lưu thông cần đảm bảo các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm.
Trong đó, doanh nghiệp, sản xuất, tổ chức, cá nhân sản xuất chè phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình kinh doanh. Đồng thời, có phương án quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.
Việc quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành. Đồng thời, công tác quản lý cần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.