Tổ chức Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử; Không gian Đờn ca tài tử năm 2022
Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 520/QĐ-BVHTTDL về việc Tổ chức Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử; Không gian Đờn ca tài tử năm 2022.
Mục đích của Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử; Không gian Đờn ca tài tử được tổ chức nhằm tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tăng cường sự liên kết vùng trong việc hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch, xúc tiến đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông, Tây Nam Bộ nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
Theo quyết định, Bộ giao Cục Văn hóa cơ sở chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử; Không gian Đờn ca tài tử năm 2022. Thành lập Ban Tổ chức Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử; Không gian Đờn ca tài tử năm 2022 (Danh sách kèm theo). Ban Tổ chức Hội thi làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có nhiệm vụ tổ chức, điều hành hoạt động Hội thi đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Ban Tổ chức Hội thi tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Nội dung thi Chương trình Đờn ca tài tử gồm 5 tiết mục: Phần đờn: 01 tiết mục hòa đờn; Phần ca: 04 tiết mục, được dàn dựng có đơn ca, song ca, ca ra bộ và ca vọng cổ (nhịp 8 hoặc nhịp 16); Về bài bản: Các đoàn tùy chọn, nhưng bắt buộc phải trong 20 bài bản tổ và Vọng cổ nhịp 8 hoặc Vọng cổ nhịp 16, không nhất thiết phải biểu diễn hết bài; Về bài ca: Bài ca phải là bài văn có nội dung đúng theo chủ đề, được soạn theo khúc thức bài bản tổ nhạc Tài tử. (khúc thức là những lớp nhạc, đoạn nhạc được trích trong: 3 Nam, 6 Bắc, 7 Lễ, 4 Oán); Về bản Vọng cổ: Có thể chọn Vọng cổ nhịp tư (20 câu), hoặc Vọng cổ nhịp tám (12 câu), hoặc Vọng cổ nhịp mười sáu (6 câu). Khuyến khích các đoàn sử dụng Vọng cổ nhịp 8, hoặc nhịp 16 (sẽ có điểm ưu tiên).
Về dàn nhạc: Mỗi đoàn dự Hội thi phải có ít nhất 4 loại nhạc cụ trong dàn nhạc (chọn trong các nhạc cụ: đờn kìm, đờn cò, đờn tranh, đờn bầu, đờn gáo, đờn tam, đờn tỳ bà, đờn đoản, tiêu, sáo, ghi ta, hạ uy đi). Không được sử dụng ghita điện tử; Về thời lượng: Mỗi chương trình không quá 40 phút/đoàn. Số người tham gia dự thi không quá 20 người (kể cả người dẫn chương trình). Khuyến khích mỗi đoàn có ít nhất 01 tài tử ca hoặc 01 tài tử đờn dưới 18 tuổi để thể hiện tính kế thừa. Các bài ca phải là bài bản tài tử, không chọn bài ca trong trích đoạn sân khấu cải lương. Bài ca ra bộ thì lời ca phải thể hiện tính hành động. Mỗi tài tử ca không được ca 2 tiết mục trong chương trình.
Đồng thời, Bộ yêu cầu hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử; Không gian Đờn ca tài tử được tổ chức với nội dung hoạt động phong phú, đa dạng tạo sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách tham gia; thực hiện tốt công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến, đầu tư phát triển văn hóa, du lịch. Các hoạt động tại Hội thi được tổ chức trang trọng, đảm bảo theo đúng chương trình kế hoạch tổng thể đã được phê duyệt; Tổ chức tiết kiệm, an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và tự hào của các nghệ nhân, nghệ sỹ và nhân dân các tỉnh, thành phố tham gia.