Tổ chức kinh tế, thương mại đại diện cho hơn một nửa dân số thế giới chính thức họp

Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của liên minh BRICS, khối thị trường mới nổi đại diện cho gần một nửa dân số thế giới, sẽ diễn ra vào ngày 23-24/10/2024. Đây là lần họp đầu tiên kể từ khi khối mở rộng quy mô vào năm ngoái…

Các nhà lãnh đạo từ Brazil, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và Nga tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg năm 2023

Các nhà lãnh đạo từ Brazil, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và Nga tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg năm 2023

Sáng 23/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường đến dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng tại Kazan (Liên bang Nga) từ ngày 23-24/10/2024 theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024.

BRICS khởi điểm là tên viết tắt của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Năm nay, khối này đã mở rộng quy mô, bổ sung thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào danh sách thành viên liên minh.

Thuật ngữ BRIC lần đầu tiên được đặt ra bởi nhà kinh tế Jim O’Neill của Goldman Sachs trong một bài nghiên cứu năm 2001. Ông lập luận rằng đà tăng trưởng của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có tiềm năng thách thức các nền kinh tế giàu có thuộc nhóm G7. Ban đầu, các ngoại trưởng của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc họp mặt không chính thức vào năm 2006 trước khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên năm 2009. Nam Phi sau đó gia nhập khối năm 2010 và tên gọi chính thức trở thành BRICS.

Hiện nay, các quốc gia trong BRICS đóng góp hơn 35% sản lượng kinh tế toàn cầu nếu tính theo sức mua tương đương. Đây là một thời điểm quan trọng đối với BRICS khi khối ngày càng khẳng định mình như một đối trọng với phương Tây.

Lãnh đạo BRICS đều tổ chức các cuộc họp thường niên, với mỗi quốc gia thành viên lần lượt giữ vai trò chủ tịch luân phiên. Quyết định của khối được đưa ra dựa trên sự đồng thuận và không có cơ cấu chính thức, bởi lẽ, BRICS chưa có hiến chương, ban thư ký hay quỹ tài chính chung.

Một trong những yếu tố trọng tâm mà liên minh BRICS đang theo đuổi là thúc đẩy một đại diện toàn cầu, thống nhất tiếng nói chung của các nền kinh tế mới nổi trong các tổ chức đa phương. Khối không chỉ kêu gọi cải cách tổ chức hiện có, như mở rộng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà còn khuyến khích thành lập các liên minh đàm phán trong những tổ chức này.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã tác động nặng nề đến các quốc gia BRICS, liên minh đã nỗ lực tăng cường phối hợp chính sách kinh tế trong hàng loạt vấn đề như thuế quan, hạn chế xuất khẩu tài nguyên quan trọng và đầu tư. Từ năm 2001 đến 2021, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào BRICS đã tăng hơn gấp bốn lần, mặc dù tốc độ có phần chậm lại trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo khối đã nhiều lần nhấn mạnh chủ trương phi đô la hóa trên toàn cầu, giảm sự phục thuộc vào đồng USD. BRICS kêu gọi giao dịch bằng nội tệ hoặc thậm chí từng đề xuất ý tưởng về một đồng tiền chung của BRICS trong tương lai.

Ngoài ra, một yếu tố ưu tiên hàng đầu được BRICS tập trung hướng đến là xây dựng một hệ thống tài chính thay thế. Cụ thể, liên minh đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và Thỏa thuận Dự phòng Khẩn cấp (CRA) nhằm mô phỏng các chức năng của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các thành viên hy vọng rằng những tổ chức tài chính mới này sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài trợ truyền thống.

Trong năm nay, Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16. Hội nghị có chủ đề "BRICS với Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", tập trung thảo luận về tăng cường hợp tác giữa BRICS với các nước Nam bán cầu nhằm đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hội nghị còn hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái quản trị toàn cầu cân bằng, hiệu quả, bao trùm, đề cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển...

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài lãnh đạo cấp cao 9 nước thành viên BRICS, hội nghị còn đón tiếp khoảng có 20 nước khách mời và 2 tổ chức quốc tế. Đây sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy sáng kiến hợp tác đa phương và thảo luận về các động lực phát triển mới nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/to-chuc-kinh-te-thuong-mai-dai-dien-cho-hon-mot-nua-dan-so-the-gioi-chinh-thuc-hop-post555508.html