Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024: Hiệu quả, phù hợp với thực tế của khu dân cư
Để thực hiện tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 (gọi tắt là Ngày hội), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức Ngày hội trên địa bàn Đồng Nai.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh CAO VĂN QUANG, Ngày hội được tổ chức hàng năm là đợt sinh hoạt của người dân ở từng khu dân cư. Qua hoạt động này, công tác tuyên truyền, vận động phát huy vai trò chủ thể của người dân xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc tiếp tục được MTTQ phát huy.
927 ấp, khu phố tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Năm 2024, Đồng Nai có bao nhiêu ấp, khu phố tổ chức Ngày hội, thưa ông?
- Từ cuối tháng 10 đến trước ngày 18-11-2024, có 927 ấp, khu phố sẽ hoàn thành việc tổ chức Ngày hội. Đây là dịp để người dân cùng nhìn nhận lại kết quả một năm chung sức xây dựng khu dân cư và xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.
Tại Đồng Nai, ngày 24-3-1976, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh được thành lập và từ tháng 4-1977 đổi tên thành Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai. Toàn tỉnh hiện có 927 trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố và 343 chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã.
Ông có thể cho biết mục tiêu mà Ngày hội hướng đến là gì?
- Ngày hội là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ; tiếp tục củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư; tập hợp, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thông qua Ngày hội, vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ và sự gắn bó, chia sẻ của người dân trong cộng đồng; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Đồng thời, Ngày hội là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với việc ghi nhận, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư…
Vậy yêu cầu trọng tâm đối với việc tổ chức Ngày hội ra sao, thưa ông?
- Ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ trì và phối hợp hướng dẫn việc tổ chức Ngày hội đảm bảo thời gian, chất lượng và hiệu quả; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và khu dân cư; làm cho Ngày hội thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân.
Các hoạt động trong Ngày hội có sự tham gia đầy đủ của các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư; tạo được không khí vui tươi, đầm ấm và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; mang lại ý nghĩa to lớn đối với các cộng đồng dân cư, trở thành nét đẹp truyền thống, tôn vinh những giá trị to lớn, bền vững của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cụ thể hóa phương châm “hướng về cơ sở”, đưa đường lối, quan điểm của Đảng, công tác Mặt trận đến cộng đồng dân cư, đến với từng gia đình và mỗi người dân.
Thu hút người dân tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Để Ngày hội thật sự là diễn đàn của người dân ở khu dân cư, Ban tổ chức có giải pháp gì, thưa ông?
- Ngày hội là nơi người dân bày tỏ ý kiến về kết quả một năm triển khai các nhiệm vụ ở khu dân cư, cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, Ngày hội là diễn đàn để người dân nêu lên những tâm tư, tình cảm, sáng kiến đóng góp cho khu dân cư.
Theo đó, phần lễ của Ngày hội đảm bảo thực hiện những nội dung trọng tâm theo quy định, trong số này có việc trao đổi, thảo luận của nhân dân đối với các vấn đề năm qua của khu dân cư, phương hướng của năm tới. Tại buổi lễ sẽ tổ chức trang trọng biểu dương, khen thưởng những tập thể, hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu… nhằm khích lệ, động viên mọi người cùng tiếp tục phấn đấu thi đua hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu được cộng đồng dân cư đã đề ra.
Năm 2024, toàn tỉnh có 23 ấp, khu phố tiêu biểu được lựa chọn để giới thiệu mời lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Riêng phần hội có thể lựa chọn các hình thức như: hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian; thực hiện hoạt động nhân đạo, từ thiện; thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, người có công; cán bộ lão thành cách mạng; trợ giúp người khó khăn; thăm hỏi, trao tặng quà, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; ra quân trồng cây, trồng hoa trên các tuyến đường dân sinh, khu dân cư, trong khuôn viên gia đình; tổ chức Bữa cơm đoàn kết…
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khuyến khích các địa phương có sáng kiến, đổi mới tổ chức phần hội đảm bảo vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của mỗi địa phương.
Thưa ông, trong thời gian diễn ra Ngày hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đặt ra yêu cầu gì đối với ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp?
- Trước và trong thời gian diễn ra Ngày hội, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ trì và phối hợp hướng dẫn việc tổ chức Ngày hội đảm bảo thời gian, chất lượng và hiệu quả. Phấn đấu mỗi khu dân cư có ít nhất một công trình, phần việc tiêu biểu, cụ thể góp phần xây dựng, phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.