Tổ chức tổng điều tra kinh tế năm 2021

Thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021, Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện công tác tổ chức theo đúng Phương án tổng điều tra.

Theo đó, đối tượng điều tra gồm: Doanh nghiệp/hợp tác xã (bao gồm các chi nhánh và địa điểm sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đóng tại các xã, phường, thị trấn khác nhau); cơ sở sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Tổng điều tra thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất cả các đơn vị điều tra thuộc các loại hình kinh tế, ngành kinh tế.

Ảnh minh họa: baoninhthuan.com.vn

Ảnh minh họa: baoninhthuan.com.vn

Nội dung điều tra gồm thông tin nhận dạng đơn vị điều tra như thông tin định danh của cơ sở; ngành hoạt động sản xuất kinh doanh; các loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; các cơ sở kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

Điều tra các thông tin về lao động và thu nhập của người lao động; về kết quả và chi phí sản xuất kinh doanh; về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên đề về đơn vị điều tra.

Thời gian thu thập thông tin của cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021, đối với khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã từ ngày 1-3 đến hết 30-5; với các tỉnh, thành phố có từ 8.000 doanh nghiệp trở lên, thời gian thu thập thông tin chậm nhất đến ngày 31-8. Với đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, thời gian thu thập thông tin từ ngày 1-3 đến 30-4; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thời gian thu thập thông tin điều tra từ ngày 1-7 đến 30-7.

Kết quả sơ bộ của cuộc tổng điều tra dự kiến công bố vào tháng 12-2021 và kết quả chính thức dự kiến được công bố vào tháng 2-2022.

Cuộc tổng điều tra được thực hiện nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế, kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu. Kết quả sẽ được dùng để biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê chính thức khác. Qua tổng điều tra để cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh, phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế-xã hội...

HOÀNG LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/to-chuc-tong-dieu-tra-kinh-te-nam-2021-653042