Tổ hợp tác nấm mèo phố núi

Trên đất cao nguyên B'Lao, những người nông dân Thôn 3, Thôn 4, xã Đam Bri, TP Bảo Lộc đã gắn bó với nghề trồng nấm mèo 20 năm nay.

Ông Vũ Thành Long đang chuẩn bị ép nước cho trại nấm mèo

Ông Vũ Thành Long đang chuẩn bị ép nước cho trại nấm mèo

Ông Lê Quang Việt, chủ trại nấm Việt Phúc, Thôn 3, xã Đam Bri chia sẻ, bản thân ông và gia đình đã có trên 15 năm chuyên canh tác nấm mèo. Ông Lê Quang Việt thông tin: “Người Thôn 3 học làm nấm mèo từ bà con vùng Long Khánh, Đồng Nai. Chỉ từ ban đầu có một vài hộ, tới nay chúng tôi đã có rất nhiều hộ cùng trồng nấm mèo, trở thành vùng đất mà bà con trong xã gọi là xóm nấm mèo. Cây nấm mèo đã mang lại kinh tế chính cho cư dân ở đây”.

Theo ông Lê Quang Việt, nấm mèo - mộc nhĩ là loại thực phẩm được người tiêu dùng sử dụng rất nhiều trong các món ăn hằng ngày. Cũng vì vậy, cư dân Thôn 3 nhiều hộ gắn bó với nghề làm nấm. Theo ông, nếu nắm được kỹ thuật, trồng nấm mèo cũng không khó với các nông hộ. Nấm cần được trồng trong nhà kính, thường là nhà làm bằng sắt, phía trên có lợp mái tranh dày. Mái tranh giúp dưỡng ẩm cho bịch nấm rất tốt, đồng thời có khả năng hạ nhiệt, giúp cây nấm có điều kiện sinh trưởng tối ưu.

Nấm mèo được trồng trong thời gian 2,5 tháng/vụ, ông Lê Quang Việt thông tin. Giống được nhập về, treo thành dây trong nhà nấm, sau đó phủ lưới đen kín, không để ánh sáng lọt vào nhà nấm. Nấm được treo 10 ngày, nông dân sẽ tiến hành rạch lỗ trên bịch nấm để nấm mọc. Sau 10 ngày nữa, khi nấm con bắt đầu mọc ổn định, người nông dân mới tưới nước hằng ngày với một lượng nước tưới khá nhỏ, tưới phun sương. Ông Lê Quang Việt chia sẻ, có những kỹ thuật trồng nấm mèo để tai nấm to, dày, có giá trị kinh tế cao hơn: “Khi cây nấm đã to ra, chúng tôi ngừng tưới, vén màn che để cho nấm khô quắt trong vòng 10 ngày. Sau 10 ngày, tai nấm khô lại, chúng tôi tưới tiếp trong vòng một tuần để cây nấm tươi, to trở lại. Sau đó lại tắt nước, ép một tuần. Quá trình cắt nước, tưới lại như vậy giúp tai nấm mèo dày hơn, giòn hơn, đạt sản lượng và chất lượng khách hàng mong muốn. Nói chung kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm mèo không khó, chỉ cần giữ gìn vệ sinh thật tốt là cây nấm mèo sẽ ổn định và có năng suất khá”.

Ông Nguyễn Việt Phúc, ông Vũ Thành Long, Thôn 4, xã Đam Bri cũng là người có trên 15 năm kinh nghiệm gắn bó với nấm mèo. Theo ông Long, vùng Đam Bri đất không quá nhiều, chỉ trồng cà phê, một năm mới có một lần thu hoạch. Làm quen với cây nấm mèo, vốn đầu tư ban đầu không cao, lại có thu nhập hàng tháng nên cư dân Thôn 4 có rất nhiều hộ đã gắn bó với cây nấm mèo: “Khu trồng nấm mèo này đã hình thành cả 20 năm, bà con nông dân chúng tôi đã quen với cây nấm mèo và thấy năng suất cũng ổn định. Nói chung giá nấm mèo thì cũng có thời điểm cao, thời điểm thấp nhưng có thu hoạch thường xuyên, tiền ra tiền vào nên bà con cũng vẫn gắn bó”.

Theo ông Vũ Thành Long, một nhà nấm thường trồng được 10 thiên (10 ngàn bịch), sau gần ba tháng là thu được năm tạ nấm khô. Tùy thời điểm, thương lái tới tận trại thu mua nấm cho bà con. Những nhà có vốn, nấm khô được trữ lại để đợi các đợt giá bán cao hơn vào các dịp cuối năm, lễ, tết. Nấm mèo không thu rải rác mà chỉ thu 1 lần, sau khi hái hết nấm, phôi nấm mèo được tiếp tục bán cho các nông hộ để trồng thêm một lứa nấm có nhu cầu dinh dưỡng thấp hơn như nấm bào ngư xám, bào ngư trắng.

Được biết, trên địa bàn TP Bảo Lộc có một số trại chuyên sản xuất phôi nấm như trại nấm Long Thủy. Các trại giống nấm này, ngoài cung cấp phôi nấm đạt chuẩn, còn là nơi tư vấn, hướng dẫn kĩ thuật cho nông dân. Liên kết chặt chẽ giữa trại sản xuất giống và nông dân trồng nấm thương phẩm đã giúp người trồng nấm tại Đam Bri ngày càng phát triển. Bà Nguyễn Thị Thơm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đam Bri cho biết, xã đang tích cực vận động nông dân thành lập tổ hợp tác trồng nấm trên địa bàn. Tổ hợp tác sẽ là tập thể của cư dân trồng nấm, đồng hành cùng bà con trong việc phát triển bền vững nghề trồng nấm mèo như chia sẻ giống, hỗ trợ kĩ thuật, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra với giá cả ổn định cho người nông dân. Khi tập hợp nuôi trồng nấm trở thành một tập thể mạnh, nghề nấm Đam Bri sẽ cho kết quả tốt, mang lại sự no ấm cho những cư dân vùng đất cao nguyên. Bà cho biết, xã Đam Bri cũng đang có mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP từ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, trong đó có cây nấm mèo.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202410/to-hop-tac-nam-meo-pho-nui-04b02b8/