Tòa án nhân dân tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp

Để thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp có hiệu quả, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Từ đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử.

TAND hai cấp không ngừng nâng cao chất lượng công tác xét xử. Ảnh: C.H

Theo đồng chí Thái Rết - Phó Chánh án TAND tỉnh, trên tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các văn bản của Trung ương, ở mỗi giai đoạn, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh đều có những chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức bộ máy TAND hai cấp; nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết án; nâng cao vai trò tổ chức đảng và đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ tốt yêu cầu công tác. Ban Cán sự Đảng đã phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên trong Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức cơ sở đảng về tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, chịu trách nhiệm trực tiếp trong tổ chức thực hiện và thường xuyên kiểm tra, giám sát, báo cáo kịp thời. Còn công tác triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện yêu cầu phải khoa học, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Với kinh nghiệm thực tiễn công tác, tòa án đã tích cực tham gia đóng góp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND và nhiều dự thảo pháp luật quan trọng khác. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề nhằm áp dụng pháp luật một cách thống nhất và nâng cao kỹ năng xét xử cho đội ngũ chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân. Đặc biệt, quan tâm tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và hướng dẫn của TAND Tối cao. Từ đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Ngoài ra, còn tiếp tục tập trung thực hiện 14 giải pháp của TAND Tối cao và 3 giải pháp do TAND tỉnh đề ra với mục tiêu là không ngừng nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Trong từng giai đoạn, TAND tỉnh luôn tập trung kiện toàn, tổ chức, sắp xếp bộ máy, nâng cao chất lượng các hoạt động xét xử. Đội ngũ cán bộ, thẩm phán hai cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và không ngừng nỗ lực, phấn đấu nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác bổ nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển được thực hiện nghiêm túc, khách quan, phù hợp trình độ, năng lực của từng chức danh, vị trí công tác. Các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức được thực hiện kịp thời, đúng quy định. TAND tỉnh còn tạo mọi điều kiện để cán bộ, công chức học tập đạt các tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng đề án quy hoạch cán bộ chủ chốt, đảm bảo nguồn cán bộ kế thừa; quy hoạch đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị.

Hàng năm, số lượng án thụ lý các loại không ngừng tăng lên (trung bình mỗi năm tăng trên 500 vụ), tính chất vụ việc phức tạp hơn so với trước, trong đó, loại án về tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp tài sản tăng cao; nhiều vụ án tranh chấp, hôn nhân có yếu tố nước ngoài gây khó khăn trong công tác xác minh, thu thập chứng cứ; còn ở lĩnh vực hình sự, số vụ việc có tính nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng, tính chất phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi hơn. Trong 15 năm qua, tòa án đã thụ lý gần 77.000 vụ án và đã giải quyết đạt tỷ lệ trên 97%. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng giải quyết án, lãnh đạo TAND tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải quyết án và triển khai nghiêm túc các giải pháp thực hiện. Từ đó, chất lượng giải quyết án luôn được đảm bảo, án bị hủy, sửa chiếm tỷ lệ thấp.

Song song đó, lãnh đạo TAND hai cấp cũng tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan dân cử thực hiện quyền giám sát và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với tòa án, thông qua việc báo cáo tình hình hoạt động, công tác thụ lý, giải quyết án trước HĐND cùng cấp và phục vụ tốt việc kiểm tra, giám sát từ địa phương đến Trung ương. TAND hai cấp đã công bố các bản án, quyết định có hiệu lực lên cổng thông tin điện tử. Ngoài ra, quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết các đơn thư của nhân dân có liên quan đến hoạt động của tòa án. Hiện nay, các tòa án trong tỉnh đều thành lập và đưa tổ hành chính - tư pháp đi vào hoạt động nề nếp, có hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu tiếp nhận, xử lý đơn tập trung; quản lý chặt chẽ và có hệ thống công tác thụ lý, giải quyết án và thực hiện đầy đủ, nhanh chóng các công việc liên quan đến hành chính tư pháp…

Đồng chí Thái Rết cho biết, thời gian tới, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp sát với yêu cầu nhiệm vụ được giao. TAND hai cấp tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết án; đổi mới việc tổ chức các phiên tòa xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Quan tâm kiện toàn đội ngũ công chức giữ chức danh tư pháp cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đơn vị sẽ kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc; chủ động, nghiêm túc trong đóng góp, kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật nhằm góp phần xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động cải cách tư pháp và công tác kiểm tra, giám sát. Nghiêm khắc xử lý đối với những trường hợp có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử… đối với công chức trong TAND hai cấp.

C.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/toa-an-nhan-dan-tinh-day-manh-cong-tac-cai-cach-tu-phap-33635.html