Tòa tuyên án vụ ném vỡ kính xe hơi dù 'loạn' kết quả định giá
Luật sư và bị cáo đề nghị trả hồ sơ để làm rõ việc định giá tài sản, còn đại diện VKS nói không có chức năng xác định kết quả định giá đúng hay sai.
Ngày 22-6, TAND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) xử sơ thẩm vụ án hủy hoại tài sản đối với bị cáo Lê Thanh Sử.
Vụ án này kéo dài gần năm năm hồ sơ có nhiều tình tiết mâu thuẫn, cơ quan tố tụng từng đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án và có đến bảy lần ra kết luận điều tra bổ sung.
Đặc biệt việc định giá tài sản là chiếc kính xe ô tô bị vỡ để làm căn cứ kết tội bị cáo Sử khá ly kỳ, có nhiều mâu thuẫn.
"Loạn" kết luận định giá tài sản
Theo cáo trạng, ngày 6-4-2016, Sử đi ngang qua nhà anh V. thì thấy anh này nên đòi nợ. Do gọi anh V. không được, Sử ném cục gạch vào trong sân làm vỡ kính chắn gió phía sau ô tô Ford Everest của cha anh V. Công an xác định chiếc kính chắn gió trị giá 2,8 triệu đồng.
Bị cáo yêu cầu định giá lại vì kính vỡ đã cũ nhưng lại định giá theo giá trị của kính mới là không chính xác.
Tháng 11-2016, VKSND huyện đình chỉ bị can vì cho rằng HĐĐG xác định thiệt hại kính ô tô theo giá trị kính mới 100% không trừ khấu hao là gây bất lợi. Sau đó công an huyện xử phạt 3,5 triệu đồng đối với Sử.
Đến tháng 2-2017, VKSND huyện ra quyết định phục hồi điều tra lấy kết quả giám định tài sản lần thứ hai là 2,8 triệu đồng. Tuy nhiên, TAND huyện trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì định giá theo giá mới 100% là không đúng.
Cuối năm 2017 khi yêu cầu định giá lại tài sản thì HĐĐG Đồng Nai có văn bản từ chối với lý do: Không có căn cứ để xác định giá trị thực còn lại của kính xe tại thời điểm xảy ra vụ án.
Tuy nhiên tháng 6-2019, HĐĐG Đồng Nai lại có kết luận giám định tài sản xác định kính ô tô bị vỡ trong vụ án có giá trị tại thời điểm định giá là 2,8 triệu đồng.
Bị cáo Sử khiếu nại thì HĐĐG trong tố tụng hình sự của tỉnh Đồng Nai nhận sai nên hủy bỏ kết luận định giá, đồng thời bảo lưu ý kiến là: “Không có căn cứ để xác định giá trị thực còn lại của kính xe tại thời điểm xảy ra vụ án”.
Bất ngờ ngày 27-3, HĐĐG tỉnh Đồng Nai lại xác định kính chắn gió là tài sản có giá trị sử dụng hầu như không bị hao mòn theo thời gian.
HĐĐG thống nhất giá trị hao mòn đã qua sử dụng kính chắn gió của xe ô tô là 0% nên giá trị kính chắn gió phía sau xe ô tô được tính bằng giá trị thay mới tại thời điểm ngày 6-4-2016 (ngày xảy ra vụ án) là hơn 2,1 triệu đồng.
Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Cửu lại ra kết luận điều tra lần thứ bảy và chuyển VKSND huyện ra cáo trạng truy tố bị can Sử.
VKS nói gì về giám định tài sản?
Tại tòa, bị cáo Sử thừa nhận hành vi như cáo trạng. Tuy nhiên theo bị cáo kết luận của HĐĐG xác định kính ô tô có giá trị hơn 2,1 triệu đồng là không đúng quy định, trái với hướng dẫn của Bộ Tài Chính.
Bị cáo trình bày: “Hiện bị cáo đang tố cáo chủ tịch HĐĐG tỉnh Đồng Nai đã ban hành kết luận sai quy định. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Thanh tra tỉnh làm rõ đơn này. Bị cáo đang chờ kết luận cuối cùng của Thanh tra tỉnh”.
Luật sư bảo vệ cho bị cáo Sử cho rằng HĐXX cần triệu tập những người liên quan đến vụ án như điều tra viên trực tiếp điều tra vì hồ sơ bị mất một số giấy tờ quan trọng nhưng không rõ mất khi nào, ở đâu.
Đặc biệt, cần có chủ tịch HĐĐG tỉnh Đồng Nai tại tòa để làm rõ về căn cứ nào ra xác định kính xe ô tô hao mòn đã qua sử dụng là 0% để đưa ra kết luận giám định tài sản thiệt hại vụ án 2,1 triệu đồng.
Theo luật sư kết luận của HĐĐG không có biên bản họp, không có hồ sơ khảo sát thực tế, đề nghị HĐXX trả hồ sơ để làm rõ kết luận này.
Phần tranh luận, luật sư trình bày, cuối 2016 VKSND huyện đã từng đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì việc xác định thiệt hại kính ô tô theo giá trị kính mới 100% là bất lợi cho Sử. Vậy vì sao lần này VKSND huyện lại đồng quan điểm và dựa vào kết luận của HĐĐG để truy tố bị cáo ra tòa?
Đối đáp lại, đại diện VKS huyện nói: “Viện kiểm sát ra cáo trạng, truy tố bị cáo là dựa vào kết luận của cơ quan chuyên môn định giá tài sản là HĐĐG tỉnh. Còn kết luận của HĐĐG có đúng hay sai thì VKS không có chức năng xác định”.
Cuối cùng HĐXX cho rằng những quan điểm mà luật sư bảo vệ cho bị cáo Sử đưa ra không có căn cứ nên không được chấp nhận. Còn những căn cứ mà vị đại diện VKSND nêu có cơ sở nên được chấp nhận.
Vì vậy, HĐXX ra quyết định tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Sử sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo.