Toàn cảnh 'cầu cụt' nối TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Giang hơn 100 tỷ đồng bị bỏ hoang

Cầu Xuân Cẩm có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng nối Hà Nội với tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành được 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng do chưa có đường dẫn lên xuống.

Cầu Xuân Cẩm kết nối đường vành đai 4 thuộc tỉnh Bắc Giang với quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. Công trình có chiều dài hơn 479 m, rộng 12 m được thực hiện trên địa bàn xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Cây cầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Giang làm chủ đầu tư và triển khai từ năm 2017. Dự án có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, nguồn kinh phí thực hiện dự án từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách tỉnh Bắc Giang.

Ghi nhận đến nay, dự án cầu Xuân Cẩm có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, hoàn thành được hơn 2 năm, nhưng vẫn chưa thể đi vào khai thác vì không có lối lên xuống phía địa phận xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn.

Đầu cầu phía huyện Sóc Sơn chưa có đường dẫn nên cây cầu chưa thể khai thác. Nhiều người dân địa phương 2 năm nay đã đặt tên cho cây cầu này là “cầu cụt”.

Tổng chiều dài của cây cầu Xuân Cẩm là 479,5m, bề rộng mặt cầu 12m, hiện nay đã được thảm bê tông nhựa, sơn vạch kẻ đường hoàn chỉnh.

Lối từ đường vành đai 4 lên cầu phía huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã hoàn tất nhưng được rào chắn bằng tôn, ngăn không để người dân đi lên cầu vì nguy cơ mất an toàn, tai nạn giao thông do không có lối xuống phía bên kia.

Thông tin từ lãnh đạo phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho biết, đường dẫn chậm triển khai do khi rà soát thì tuyến đường không nằm trong quy hoạch của giao thông Thủ đô. Tới đầu tháng 6/2022, những vướng mắc được tháo gỡ khi dự án đã được phê duyệt.

"Huyện sẽ đầu tư tuyến đường dài khoảng 3km, tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Tiến độ triển khai theo nội dung phê duyệt từ năm 2022 đến trước năm 2025. Hiện nay, các đơn vị chức năng đang tiến hành rà soát, đánh giá phạm vi ảnh hưởng của dự án lên phần đất ở", cán bộ phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho hay.

Mặc dù theo thống nhất giữa hai địa phương vào tháng 3/2017, Hà Nội sẽ làm đường kết nối từ cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú đến nút giao Bắc Phú của tuyến quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. Nhưng đến hiện tại, phần đất được quy hoạch làm đường vẫn là cánh đồng lúa, chưa giải phóng mặt bằng.

Hệ thống biển và đèn báo giao thông đường thủy đã lắp sẵn nhưng chưa đấu nối với nguồn điện.

Hệ thống thoát nước, toàn bộ hầu hết đã hoàn thành.

Toàn cảnh Cầu Xuân Cẩm (hay còn được người dân gọi là "cầu cụt").

Mặc dù cầu đã làm xong được 2 năm nhưng không có đường dẫn xuống, nhiều người dân muốn qua sông vẫn phải sử dụng bến đò Cẩm Hà cách đó khoảng 400m.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Cẩm Hà, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn) cho biết: “Khi bắt đầu xây dựng cầu, chúng tôi ai cũng phấn khởi mà mong chờ. Năm 2020 xây xong, chúng tôi thất vọng vì cầu cụt, không có đường dẫn lên. Chúng tôi muốn sang bên kia sông vẫn phải đi đò, trong khi đó nhà nước mất bao nhiêu tiền để làm cho dân cây cầu để không phải đi đò. Mong chính quyền sớm xây lối lên xuống để người dân được đi lại”.

Được biết, tuyến đường dẫn từ cầu đấu nối với hệ thống giao thông của TP Hà Nội có vai trò quan trọng, khi hoàn thành sẽ giúp kết nối thuận lợi 2 trục giao thông lớn trong vùng là tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, qua đó giúp tăng cường khả năng liên kết và hoàn thiện mạng lưới giao thông trong vùng Thủ đô Hà Nội. Cây cầu này cũng là niềm mơ ước của bao người dân tỉnh Bắc Giang.

Nhưng đến nay, cầu đã hoàn thành, không phát huy được hiệu quả đầu tư. Cầu đã có mà không thể vận hành, người dân vẫn phải qua đò sang sông khiến nhiều người dân bức xúc. Đặc biệt hơn, nếu tình trạng này kéo dài công trình có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí nguồn vốn ngân sách.

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/toan-canh-cau-cut-noi-tp-ha-noi-va-tinh-bac-giang-hon-100-ty-dong-bi-bo-hoang-post202356.html