Toàn cảnh vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tử nạn
Ngày 19/5, chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và đoàn tháp tùng đã rơi xuống vùng núi xa xôi trong điều kiện thời tiết xấu. Tổng thống Raisi và 8 người trên trực thăng đều thiệt mạng.
Tai nạn nghiêm trọng
Chiếc trực thăng Bell 212 chở Tổng thống Raisi và phái đoàn tháp tùng đã gặp sự cố và phải “hạ cánh cứng” ở tỉnh Đông Azarbaijan. Đoàn máy bay trực thăng hộ tống Tổng thống Iran Raisi đang trên đường di chuyển từ Khoda Afarin đến thủ phủ tỉnh Tabriz để dự lễ khánh thành một khu liên hợp hóa dầu.
Phái đoàn tháp tùng ông Raisi di chuyển trên 3 chiếc máy bay trực thăng. Khoảng 30 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay chở ông Raisi mất liên lạc với hai chiếc còn lại. Các máy bay trực thăng ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm xung quanh khu vực trong khoảng 20 phút, nhưng buộc phải hạ cánh khẩn cấp do điều kiện thời tiết xấu và sương mù dày đặc.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, Thống đốc tỉnh Đông Azarbaijan Malek Rahmati cũng có mặt trên trực thăng chở Tổng thống Raisi. Tổng cộng có 9 người trên chiếc trực thăng gặp nạn.
Ngày 20/5, đại diện Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ của Iran (IRCS) cho biết đã tìm thấy thi thể của Tổng thống Raisi và những quan chức tháp tùng, đồng thời tuyên bố công tác tìm kiếm đã kết thúc. IRCS đã chuyển thi thể các nạn nhân đến khu vực Tabriz, Tây Bắc Iran.
Ngày 20/5, Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Abdulkadir Uraloglu cho biết chiếc trực thăng bị rơi khi chở Tổng thống và Ngoại trưởng Iran ngày 19/5 đã không bật hệ thống tín hiệu hoặc không có hệ thống này trên máy bay.
Phát biểu với báo giới, ông Uraloglu cho biết vì Iran nằm trong khu vực chịu trách nhiệm ứng phó khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ, nên cơ quan chức năng đã kiểm tra tín hiệu từ trực thăng khi nghe tin rơi máy bay.
Tham mưu trưởng quân đội Iran, ông Mohammad Bagheri đã yêu cầu một ủy ban cấp cao tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Video hiện trường vụ rơi trực thăng do truyền hình Iran đăng tải (nguồn: Reuters):
Các nước chia buồn
Sau vụ tai nạn, các nước đã gửi lời chia buồn với Iran.
Trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga ngày 20/5, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết: “Moskva vô cùng đau buồn trước thông tin về cái chết của Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Iran trong vụ tai nạn trực thăng. Nga chân thành chia buồn với gia đình và bạn bè của các nạn nhân cũng như với tất cả người dân Iran”. Cũng trong tuyên bố, Ngoại trưởng Nga ca ngợi Tổng thống Raisi và người đồng cấp Hossein Amirabdollahian là những người bạn thực sự, đáng tin cậy đối với Moskva.
Ngày 20/5, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã gửi lời chia buồn tới Iran và bày tỏ tiếc thương Tổng thống Raisi. Trong thông điệp đăng tải trên mạng xã hội X, ông Díaz-Canel mô tả cố Tổng thống Iran là người bạn tuyệt vời, một chính trị gia đáng ngưỡng mộ.
Ngày 21/5, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ lời chia buồn sâu sắc về cái chết của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong vụ tai nạn trực thăng. Thông điệp chia buồn có đoạn: “Sự ra đi của Tổng thống Iran là một tổn thất lớn đối với nhân dân Iran anh em và nhân dân thế giới khao khát độc lập và công lý". Nhà lãnh đạo Triều Tiên mong muốn chính phủ và nhân dân Iran sẽ vượt qua nỗi buồn sau khi mất đi người lãnh đạo và mong gia đình người quá cố sẽ sớm ổn định.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết Liên minh châu Âu gửi lời chia buồn về cái chết của Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Abdollahian, cũng như các thành viên khác trong đoàn tùy tùng và phi hành đoàn trong vụ tai nạn trực thăng.
Cùng ngày, bày tỏ trên trang tài khoản cá nhân X, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho hay ông thực sự đau buồn và sốc trước cái chết của Tổng thống Seyed Ebrahim Raisi. “Đóng góp của ông trong tăng cường mối quan hệ song phương Ấn Độ - Iran sẽ luôn được nhớ mãi. Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình ông và người dân Iran. Ấn Độ sẽ sát cánh cùng Iran trong thời điểm đau buồn này”, Thủ tướng Modi nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia' Al Sudani gửi lời chia buồn tới nhà Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei và chính phủ Iran trên một bài đăng trên X. Ông nói: "Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với những người anh em Iran trong bi kịch đau đớn này".
Pakistan và Liban tuyên bố sẽ tổ chức ngày tang và treo cờ rủ để bày tỏ sự thành kính tới Tổng thống đã khuất Raisi.
Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed Al Nahyan cho biết UAE luôn đoàn kết với Iran vào thời điểm khó khăn này, gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình những người thiệt mạng trong vụ tai nạn.
Ngày 20/5, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn tới Quyền Tổng thống Iran Mohammad Mokhber. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện chia buồn tới Quyền Bộ trưởng Ngoại giao lran Ali Bagheri Kani.
Ngày 20/5, Mỹ đã gửi lời chia buồn về cái chết của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong vụ tai nạn trực thăng. Matthew Miller, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay: "Mỹ bày tỏ lời chia buồn chính thức về cái chết của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Bộ trưởng Ngoại giao Amir-Abdollahian, và các thành viên khác trong phái đoàn trong vụ tai nạn trực thăng ở phía Tây Bắc Iran. Khi Iran chọn một tổng thống mới, chúng tôi tái khẳng định sẽ ủng hộ nhân dân Iran và cuộc đấu tranh vì quyền con người và tự do cơ bản”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố sẽ không thay đổi cách tiếp cận với Iran.
Ngay sau khi nghe tin về vụ rơi trực thăng nói trên, lực lượng Hamas và Houthi cũng có phản ứng.
Lực lượng Hamas nhấn mạnh: “Trong vụ việc đau đớn này, chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết hoàn toàn với Cộng hòa Hồi giáo Iran, với ban lãnh đạo, chính phủ và người dân. Đồng thời chúng tôi cầu xin Chúa toàn năng bảo vệ Tổng thống Iran và phái đoàn tháp tùng ông cùng người dân Iran anh em khỏi mọi tổn hại”.
Trong khi đó, người phát ngôn của lực lượng Houthi tại Yemen - ông Mohammed Abdulsalam - nêu rõ: “Chúng tôi vô cùng tiếc vì những gì đã xảy ra với trực thăng chở Thống Iran trong sự cố đau thương này. Trái tim của chúng tôi hướng về người dân Iran trong cuộc khủng hoảng này”.
Về phần mình, một quan chức Israel tuyên bố nước này không liên quan tới cái chết của Tổng thống Raisi trong vụ tai nạn trực thăng. Quan chức giấu tên nêu rõ: “Không phải chúng tôi gây ra vụ tai nạn trực thăng chở Tổng thống Raisi”.
Diễn biến tiếp theo tại Iran
Ngay sau khi xác nhận Tổng thống Ebrahim Raisi và một số quan chức khác tử nạn trong vụ rơi trực thăng ngày 19/5 tại tỉnh Đông Azerbaijan, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố 5 ngày quốc tang, đồng thời chỉ định Phó Tổng thống Mohammad Mokhber tạm thời tiếp quản vị trí của ông Raisi. Theo Điều 131 của Hiến pháp, ông Mokhber sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo cơ quan hành pháp và cần phối hợp với những người đứng đầu cơ quan lập pháp và tư pháp để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống tối đa trong 50 ngày.
Ngày 20/5, Chủ tịch Cơ quan bầu cử Iran Mohsen Eslami thông báo cuộc bầu cử bất thường để bầu tổng thống mới của Iran sẽ được tổ chức vào ngày 28/6.
Hội đồng Giám hộ của Iran (một cơ quan siêu nghị viện bao gồm các thành viên của giới tăng lữ) chịu trách nhiệm thẩm định tư cách của các ứng cử viên tranh cử vào các vị trí điều hành trong chính phủ nước này, bao gồm cả chức vụ Tổng thống Iran.
Trước đó cùng ngày, Quốc hội Iran thông báo sẽ tiến hành phiên họp đầu tiên sau khi Tổng thống Raisi tử nạn vào ngày 21/5.
Nội các Iran tuyên bố chính phủ nước này sẽ tiếp tục hoạt động mà không có bị gián đoạn dù là nhỏ nhất sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ rơi máy bay trực thăng.
Tác động với Iran sau cái chết của Tổng thống Raisi
Vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Raisi thiệt mạng xảy ra trong bối cảnh ông được coi là người kế nhiệm tiềm năng của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ông Khamenei là người nắm quyền lực tối cao và có tiếng nói cuối cùng về chính sách đối ngoại và chương trình hạt nhân của Iran.
Nhận định với tờ The Conversation, ông Eric Lob, Phó Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Florida, cho rằng vụ tai nạn của ông Raisi sẽ khiến lãnh tụ tối cao Khamenei mất đi một người trung thành lâu năm và một người kế nhiệm tương lai.
Dù vậy, do Lãnh tụ tối cao Khamenei mới là người đặt ra các chính sách của Iran nên cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, Tướng Yakov Amidror đã nghỉ hưu, nhận định rằng các chính sách của Iran sẽ không thay đổi sau cái chết của ông Raisi.
Cùng ý kiến trên, Tiến sĩ Meir Javedanfar, Giảng viên người Iran tại Đại học Reichman ở Israel, cho biết trên tờ Jerusalem Post rằng, điều này không có tác động lớn đối với chế độ ở Iran, cũng không ảnh hưởng đến cuộc đối đầu giữa Iran và Israel, không thay đổi sự hỗ trợ của Iran đối với các nhóm như Hamas và Hezbollah, cũng không tác động hoặc chương trình hạt nhân của nước này.