Toàn thế giới đã ghi nhận trên 128,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 30/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 128.408.993 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.807.211 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 103.573.177 người.

Người dân xếp hàng chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 563.259 ca tử vong trong tổng số 31.038.550 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 314.268 ca tử vong trong số 12.577.354 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 162.218 ca tử vong trong số 12.106.756 bệnh nhân.

Tính theo tỷ lệ dân số, CH Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 245 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 209 người và Montenegro 200 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 43,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 949.200 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với trên 772.900 ca tử vong trong trên 24,5 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 572.900 ca tử vong trong trên 31,3 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 270.800 ca tử vong trong trên 17,7 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 113.400 ca tử vong, châu Phi có trên 112.200 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 986 người.

Sau hai ngày tạm lắng với số ca mới chỉ tăng thêm vài chục, Bộ Y tế Campuchia sáng 30/3 thông báo số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại ba chữ số trong một ngày, trong đó số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất là ở thủ đô Phnom Penh. Trong 105 ca mới phát hiện có một ca nhập cảnh, còn lại 104 ca lây nhiễm cộng đồng từ “sự cố ngày 20/2”. Các ca mới là người Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam ở các tỉnh, thành gồm Phnom Penh (46 ca), Sihanoukville (34 ca), Svay Rieng (20 ca), Prey Veng (1 ca), Kampong Cham (2 ca) và Tbong Khmum (1 ca). Như vậy tính đến sáng 30/3, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.378 ca mắc COVID-19, trong đó 11 người đã tử vong.

Tổng thống Pakistan Arif Alvi cùng ngày cho biết ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, sau khi được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Pervez Khattak cũng cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Imran Khan cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Theo đó giới chức Pakistan kêu gọi người dân duy trì cảnh giác trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan.

Israel đã mở lại cửa khẩu Taba với Ai Cập và cho phép 300 người đến bán đảo Sinai để nghỉ lễ Quá Hải mỗi ngày. Đây là lần đầu tiên Israel mở lại biên giới với Ai Cập kể từ tháng 3/2020 do lo ngại đại dịch COVID-19. Động thái này là bước đi mới nhất của Israel nhằm trở lại cuộc sống bình thường sau khi nước này đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn một nửa trong số khoảng 9,3 triệu công dân của mình chống lại virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, CH Cypruscũng thông báo kế hoạch mở cửa đón khách du lịch từ các thị trường lớn nhất của nước này. Theo đó, từ ngày 1/4, du khách từ 16 nước gồm Anh, Nga, Israel, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ukraine, Liban, Ai Cập, Belarus, Serbia, Mỹ và Qatar nhập cảnh Cyprus sẽ không cần xin cấp phép đặc biệt hoặc cách ly. Tuy nhiên, du khách khi làm thủ tục nhập cảnh phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện không quá 72 giờ trước đó và thực hiện một xét nghiệm khác. Từ ngày 1/5, Cyprus sẽ cho phép các du khách Anh đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được nhập cảnh mà không có quy định hạn chế nào. Tuy nhiên, tất cả du khách tới Cyprus phải tuân thủ các quy định y tế phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.

Cũng trong ngày 30/3, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 32.404 ca nhiễm mới - số liệu thống kê theo ngày cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này hiện là 3,24 triệu người, trong đó có 32.404 người đã tử vong. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan công bố một loạt các biện pháp siết chặt hơn nữa công tác phòng dịch khi số ca nhiễm mới gia tăng tại các thành phố. Cụ thể, trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, lệnh phong tỏa sẽ được áp đặt trong những ngày cuối tuần, các nhà hàng chỉ được phép phục vụ theo hình thức bán mang về và giao đồ ăn tại nhà. Lệnh giới nghiêm từ 21h đến 5h sáng hôm sau sẽ được duy trì. Theo Tổng thống Erdogan, 84 triệu người dân nước này đang sống tại các thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao, trong đó có thủ đô Ankara và thành phố Istanbul.

Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã công bố một số biện pháp mới hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh rượu, bia để hạn chế lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào đầu tháng 4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5 tới. Cụ thể, các phương tiện vận tải hạng nhẹ bị hạn chế di chuyển trên các tuyến đường. Hoạt động kinh doanh nhà hàng, đồ uống có cồn trong những ngày nghỉ lễ nói trên sẽ bị cấm từ 18h.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ dẫn dắt và thúc đẩy nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu sau khi đạt được tiến độ tiêm chủng nhanh chóng trong nước. Mỹ đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với các công ty Ấn Độ để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, với mục tiêu thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng tại các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng dự định chia sẻ hàng triệu liều vaccine AstraZeneca sang hai nước láng giềng Canada và Mexico và đã đóng góp hoặc cam kết dành 4 tỷ USD cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX để hỗ trợ tiêm chủng tại các nước đang phát triển.

Sau khi lên nắm quyền hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Biden đã đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ và đặt mục tiêu 90% số người trưởng thành ở nước này có đủ điều kiện tiêm chủng trước ngày 19/4. Với tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, Mỹ có thể sẽ sớm dư thừa vaccine. Hiện Mỹ đã tiêm 143 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19 và 16% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong đó tỷ lệ tiêm ở nhóm trên 65 tuổi đạt gần 50%.

Tỷ lệ lây nhiễm ở Mỹ đã duy trì ổn định trong vài tuần gần đây nhưng hiện đang gia tăng trở lại. Dữ liệu mới nhất cho thấy số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại nước này là 60.000 ca/ngày, tăng 10% so với tuần trước đó. Số ca tử vong cũng tăng 3% lên khoảng 1.000 ca/ngày. Trước tình hình này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky đã khẩn thiết kêu gọi người dân Mỹ tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch trong bối cảnh nước này có nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm tiếp theo.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/toan-the-gioi-da-ghi-nhan-tren-1284-trieu-ca-nhiem-virus-sarscov2-20210330222344268.htm