Toàn tỉnh có 5.030 ha đất nông nghiệp không gieo trồng
Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2019 toàn tỉnh có 5.030 ha đất nông nghiệp không gieo trồng. Trong đó vụ đông xuân 710 ha (đất lúa 622,4ha, đất màu 88 ha); đất vụ thu mùa 4.320 ha (đất lúa 4.097 ha, đất màu 222,8 ha).
Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) chỉ được gieo cấy 1 vụ.
Các hộ nông dân không gieo trồng trên đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là do diện tích sâu trũng thường hay bị ngập lụt vào vụ mùa; do thiếu lao động; do diện tích các hộ nhỏ lẻ...
Để khắc phục tình trạng trên, ngành nông nghiệp đã đưa ra một số giải pháp như tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chủ trương, định hướng, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quản lý sử dụng đất. Trong đó, quan tâm phổ biến trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa được quy định tại Điều 6 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt về tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ đất đai để sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất…
Một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ được gieo cấy 1 vụ.
Đồng thời tiến hành rà soát lại diện tích đất sản xuất nông nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất hợp lý; dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai tạo điều kiện cho sản xuất lớn, hàng hóa; áp dụng cơ giới hóa và khoa học công nghệ vào sản xuất. Những hộ không có khả năng sản xuất nông nghiệp hoặc không có nhu cầu đất sản xuất có thể chuyển nhượng, cho thuê đất, chuyển sang ngành nghề khác. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống điện, hệ thống giao thông, thủy lợi… đối với những vùng phát triển trồng trọt tập trung, quy mô lớn. Ban hành cơ chế chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.