Toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 70 ngàn ha lúa thu đông
ĐTO - Nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch hơn 70.000ha lúa thu đông, năng suất bình quân 60,8 tạ/ha. Điều đáng phấn khởi là giá lúa tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với cách nay 1 tháng.
Theo nhiều nông dân, hiện lúa tươi giống IR 50404 được bán với giá 7.500 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 5451, OM 18, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, OM 6976 giá 8.000 đồng/kg. Giá lúa tăng do giá gạo xuất khẩu sang các nước tăng, nhất là gần đây Ấn Độ có chính sách hạn chế xuất khẩu mặt hàng này...
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, song song với việc thu hoạch, hiện trên địa bàn tỉnh đã xuống giống khoảng 6.000ha lúa đông xuân 2023-2024, tập trung ở 2 huyện: Tháp Mười, Thanh Bình, chủ yếu ở giai đoạn mạ.
Để đảm bảo các diện tích lúa đông xuân chuẩn bị xuống giống, ngành chức năng khuyến cáo, nông dân áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, bón vùi phân bón theo tỷ lệ 50 – 100% DAP + 50% Kali trước khi trục trạc đất lần cuối, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), quản lý nước hợp lý, phân hữu cơ... giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thấp nhất sự phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn.
Nông dân cần ứng dụng chế phẩm vi sinh Trichoderma phun trên rơm rạ sau thu hoạch nhằm đẩy nhanh quá trình phân hủy rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ và trả lại dinh dưỡng cho đất. Đồng thời thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá... để có biện pháp quản lý và chăm sóc kịp thời, hạn chế ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa. Nông dân có thể phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt ở giai đoạn trỗ lẹt xẹt và trỗ đều; không phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng cho cây lúa ít nhất 20 ngày trước thu hoạch nhằm bảo đảm thời gian cách ly, an toàn thực phẩm, thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để hạn chế ô nhiễm môi trường...