Tôi đã xô đổ 'bức tường 8/3' như thế nào?
Những năm gần đây, vào mỗi dịp 8/3 hay 20/10, tôi đã từ bỏ thói quen tặng hoa, tặng quà cho mẹ, cho vợ và những người phụ nữ mà tôi quý mến. Mẹ tôi, vợ tôi dần thành quen nhưng tôi biết, họ cũng thoang thoảng một nỗi buồn.
Tôi đã xô đổ "bức tường 8/3" từ trong quan niệm của mình về nam nữ bình quyền. Ảnh minh họa
Không buồn sao được khi vào những dịp như thế, nhất là ở thành thị, từ nhà riêng đến cơ quan, từ ngoài đường đến Facebook, hoa, quà và ngập tràn những lời chúc mừng có cánh.
Phụ nữ Việt Nam, dẫu là một giới có truyền thống anh hùng, bất khuất thì vẫn là “phái yếu”, chịu nhiều thiệt thòi, cần được động viên trong những ngày của riêng họ.
Không phải ngẫu nhiên mà ngoài ngày kỷ niệm chung với thế giới (8/3), Việt Nam còn có thêm một ngày truyền thống dành riêng cho hơn 1 nửa dân số quốc gia.
Thực ra trước đây, tôi đã từng khệ nệ ôm những bó hoa tươi thắm, mua những tấm thiệp thật xinh xắn để bày tỏ tình cảm, động viên, chúc mừng những người phụ nữ của mình.
Buổi chiều về nhà thật sớm, lao ngay vào bếp gắn tạp dề nấu cơm, rửa bát. Làm một cách say mê không hề miễn cưỡng. Hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác mỗi dịp mồng 8/3. Vợ tôi vô cùng hãnh diện, tự hào. Và rồi sẽ có một cơn bão chúc mừng cô ấy trên facabook vì hành động của tôi.
Xong “nghĩa vụ” với vợ, tôi phi về quê thực hiện…"trách nhiệm" với mẹ. Dù rất vui nhưng bao giờ cũng thế, mẹ tôi sẽ lại nói một câu như chưa bao giờ cũ: “vẽ vời”! Nhưng rồi, đến một ngày tôi chợt nhận ra, mình đang làm một cái việc đúng với lương tâm, đạo nghĩa nhưng không còn phù hợp với xu thế thời đại. Đó là một “vở diễn” có chung mô típ kịch bản nhàm chán. Sân khấu ấy, diễn viên ấy, kịch bản ấy, thậm chí “cát xê” cũng không đổi. Cuộc sống lặp lại đã là một sự nhàm chán. Tình cảm lặp lại thì là sự nhàm chán khổng lồ.
Chừng nào mình còn hồi hộp theo… định kỳ, háo hức theo… mùa, đón ngày mùng 8/3 với tâm thế của một người chồng, người đàn ông để thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, động viên những người phụ nữ nghĩa là chừng đó, mình chưa dứt bỏ được quan niệm nam nữ bình đẳng.
Rằng, đàn bà – phụ nữ - con gái vẫn luôn là… phe nước mắt. Rằng, mỗi năm, đàn ông Việt chỉ có… 2 ngày không phải của mình. 363 ngày còn lại thỏa thuê chí tang bồng, vui chơi ngút cung mây.
Kể từ đó, thay vì tất bật cho ngày quốc tế phụ nữ, tôi lặng lẽ “thủ tiêu” nó bằng cách xem ngày 8/3 và 20/10 như mọi ngày bình thường.
“Ngày bình thường” có phần… bất thường ấy trước tiên đến từ trong chính ngôi nhà của mình. Ở đó, tôi sẵn sàng chia đôi công việc với vợ, làm những việc mà tưởng chừng như chỉ phụ nữ mới thạo như: rửa bát, lau nhà, đi chợ, trông con. Tôi làm thường xuyên, tự nhiên như chính tình yêu tôi dành cho gia đình mình vậy.
2. Sếp tôi, một phụ nữ xinh đẹp, thông minh, thành đạt. Ở cơ quan, chị… hô một tiếng, cả trăm quân lính nghe răm rắp. Lẽ thường những người như thế khó mà chu toàn việc nhà. Ấy vậy mà khi bước chân về nhà, chị lại quấn tạp dề, trở thành người phụ nữ của gia đình. Đến nhà chị, thật bất ngờ khi bếp lúc nào cũng ấm, nhà lúc nào cũng ngăn nắp. Điều đáng nói là chưa bao giờ nghe chị phàn nàn về việc phải cùng lúc nặng gánh hai vai: việc nước – việc nhà. Trái lại, chị luôn bằng lòng, thậm chí tự hào vì làm tốt cả hai việc. Phụ nữ cả cơ quan xem chị như là hình mẫu của người phụ nữ thế hệ mới trong một gia đình hạnh phúc. Nghĩa là, với chị và rất nhiều phụ nữ khác, ấy là thiên chức của họ. Còn gì hạnh phúc hơn khi được sống, làm việc với thiên chức ấy. Chỉ duy có tôi không nghĩ thế. Bởi thiên chức của người phụ nữ là thiên chức của một con người, một công dân, họ có đầy đủ các quyền như bất cứ ai chứ không phải trong sự đối sánh với nam giới. Chưa kể, chị là một người phụ nữ đang phải gánh vác những trọng trách xã hội quan trọng, nhiều áp lực, cần phải được chia sẻ.
3. Tôi quen một người anh là giáo viên. Anh quá say mê công việc, ăn nhẹ, sống chậm, không thạo việc nhà. Bù lại, chị vợ vốn là dân kỹ thuật, sống thực tế, mạnh mẽ, quảng giao. Chị chủ động giao cho anh quản lý chi tiêu vì tính anh chặt chẽ, kỷ luật. Hàng xóm thi thoảng vẫn phì cười vì trông thấy cảnh anh đang mớm cháo cho con, còn chị lúi húi tay kìm, tay tuốc – vít sửa đường ống nước.
Riêng tôi lại thấy đó là điều bình thường. Bởi bình đẳng giới cũng có nghĩa là ngay trong một gia đình, sở trường của mọi người phải được tôn trọng thay vì cái gọi là… thiên chức.
Trong một ngày bình thường, nếu vợ anh bận đi uống bia, tiếp khách, anh sẵn sàng đóng vai nội chợ, đón con như thường.
Và, tôi nghĩ, đó mới là bó hoa 365 ngày chứ không phải những bó hoa định kỳ mỗi năm 2 lần vào 8/3 và 20/10.
4. Từ bao giờ, cánh đàn ông tự cho mình cái quyền mỗi buổi chiều tan sở tụ tập uống bia chém gió, nói những điều cao siêu về sắp xếp lại trật tự thế giới thời 4.0 thì vợ mình đang nhặt rau, kho cá, chờ cơm ở nhà?
Từ bao giờ, quý vị lê la cà phê, ăn sáng say xưa nói về những dự án, chương trình làm chuyển suy thế giới thì vợ mình đang tay làn, tay cặp đưa con đến trường trong cái dáng tất tả ngược xuôi? Chính điều đó đang là thành trì hủ lậu níu kéo bất bình đẳng giới.
Thiếu một bó hoa, một hành động tôn vinh trong ngày 8/3 không làm cho thế giới này kém văn minh. Bởi chừng nào đàn ông còn xem 8/3 là dịp chỉ để tặng hoa, lau nhà, rửa bát và nói lời có cánh thì chừng ấy, họ còn chưa thừa nhận phụ nữ đã bước lên vũ đài với chúng ta.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/toi-da-xo-do-buc-tuong-8-3-nhu-the-nao-post122167.html