Tội danh nào cho kẻ thủ ác?
Từ tối 15-7 trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một nam thanh niên đang đi bộ trên đường thì bị một đối tượng bịt mặt từ phía sau áp sát, dùng dao chém đứt lìa cẳng chân phải. Sự việc nhanh chóng gây chấn động dư luận vì sự đột ngột và cú xuống tay tàn bạo của kẻ thủ ác. Nhiều chuyên gia pháp lý đã bày tỏ quan điểm đánh giá sự việc dưới góc độ luật học và điều tra tội phạm.
Tội ác bất ngờ
Sự việc được xác định xảy ra khoảng 17h ngày 15-7 tại khu vực dốc Vân La, thuộc xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội. Người bị chém là anh H. (ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín).
Theo hình ảnh mà camera giám sát của nhà dân ghi lại, trong lúc anh H đang đi bộ trên đường, từ phía sau có một đối tượng nam giới bịt kín mặt tiếp cận, vung dao chém một nhát duy nhất vào cẳng chân phải anh H rồi nhanh chóng rời đi, để lại nạn nhân đau đớn quằn quại trên đường. Sau đó anh H được người dân đưa đi cấp cứu.
Sáng 17-7, trao đổi với chúng tôi, một chỉ huy đội điều tra trọng án (Phòng CSHS- CATP Hà Nội) cho biết đơn vị đang phối hợp với Công an huyện Thường Tín truy xét thủ phạm.
Cựu điều tra viên cao cấp thuộc Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội, Thượng tá Trịnh Kim Vân nhận định: “Với diễn biến sự việc mà camera an ninh đã lưu lại được, tôi thấy hung thủ dường như đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước, thể hiện qua việc bịt mặt, dùng dao sắc, chọn địa điểm phục kích và phương án tấn công rất hiểm ác. Điều này đưa đến một số nhận định, đó là về động cơ gây án có thể do mâu thuẫn thù tức. Hung thủ ra tay để trả thù nạn nhân do những “ân oán” nào đó trong quan hệ cá nhân. Cũng có thể kẻ ra tay chém anh H được thuê mướn, vì động tác chém chứng tỏ đối tượng là kẻ khá “chuyên nghiệp” trong nghề dao búa. Chọn cách áp sát từ phía sau để tấn công chớp nhoáng, khiến nạn nhân hoàn toàn bất ngờ và không có khả năng kháng cự, là cách làm thường thấy của đám đâm thuê chém mướn. Nhát chém đó cũng gợi ý cho nhận định về sự “dằn mặt”, cảnh báo. Chứ nếu có dự định sát hại nạn nhân thì hung thủ sẽ tấn công vào các vị trí trọng yếu khác trên cơ thể nạn nhân, chẳng hạn như vùng đầu mặt”.
“Tội phạm bạo lực thường để lại dấu vết, vật chứng tại hiện trường. Dấu vết đó có thể tồn tại dưới dạng phản ánh vật chất, hoặc tồn tại trong tư duy của người làm chứng, người biết việc. Thông qua công tác khám nghiệm và tiến hành truy xét, rà soát truy tìm nhân chứng hiện trường, cơ quan chức năng sẽ thu được những manh mối dẫn đến thủ phạm” - Thượng tá Vân nói.
Hung thủ phạm tội gì?
Sau khi đoạn clip ghi hình vụ án được loan tải trên mạng xã hội, nhiều luật sư, chuyên gia nghiên cứu tội phạm đã bày tỏ quan điểm đánh giá về vụ việc.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng hành vi phạm tội của hung thủ là rất nghiêm trọng, gây thương tích, tổn hại vẻ sức khỏe đối với nạn nhân. Ông nói: “Theo quy định của pháp luật, tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo hộ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Hành vi của thủ phạm là rất nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến khách thể cao nhất là tính mạng, sức khỏe con người, nên cần thiết phải điều tra làm rõ để xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Với sự côn đồ hung hãn, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, hung thủ đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134 - Bộ luật Hình sự. Tỷ lệ thương tích của bị hại là căn cứ để xử lý thủ phạm”.
Bàn luận về tội danh khác có thể áp dụng với thủ phạm khi vụ án được làm sáng tỏ, luật sư Đỗ Quốc Quyền - (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu ý kiến: “Nếu sau khi bắt được thủ phạm, qua điều tra xác định đối tượng có dự mưu giết người từ trước nhưng khi gây án lại chém vào chân, thì vẫn có căn cứ xem xét về tội danh giết người”.
Vẫn theo luật sư Quyền, thực tiễn pháp lý cho thấy trong trường hợp nạn nhân bị tử vong do mất máu cấp thì cơ quan chức năng sẽ xem xét các khả năng khởi tố vụ án giết người, nếu hậu quả chết người xảy ra ngay sau khi thủ phạm thực hiện hành vi phạm tội. Nếu sau một khoảng thời gian nhất định được cấp cứu, điều trị mà nạn nhân mới tử vong, thì có dấu hiệu của tội phạm “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung tăng nặng là “gây hậu quả chết người”, chứ không khởi tố về tội “Giết người”.
Về vấn đề này, luật sư Hiển có quan điểm trong mọi trường hợp thì thủ phạm đều có thể bị khởi tố về tội: “Cố ý gây thương tích”, chứ không phải về tội “Giết người” quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông phân tích: “Theo tinh thần Án lệ số 01/2016/AL ngày 6-4-2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về phân biệt tội phạm “Giết người” với tội “Cố ý gây thương tích”, trường hợp tấn công vào chân, tay mà không tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể (là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân) thì sẽ thuộc trường hợp phạm tội Cố ý gây thương tích. Đối chiếu với quy định nêu trên thì hành vi của thủ phạm trong vụ án này phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự, kể cả trong trường hợp nạn nhân chết do mất máu bởi vết thương cắt đứt động mạch”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/toi-danh-nao-cho-ke-thu-ac--i661058/