Tôi kiếm hồn tôi xưa - Hà Nội

Đây là con phố Sinh Từ (từ năm 1888) do người Pháp đặt tên bởi nơi đây có ngôi chùa thờ sống một Tổng đốc Hà Nội thời vua Đồng Khánh. Hồi đó đường Sinh Từ kéo dài hết cả đường Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Sau do sự thay đổi hành chính phố chỉ còn chừng hơn nửa cây số, nối ngang phố Lê Duẩn và Văn Miếu như hiện nay. Mãi tới năm 1964, phố Sinh Từ đổi tên Nguyễn Khuyến (phường Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội).

Một mùa thu trước rất xa xôi…

Sinh Từ phố cũng đã có lần đổi tên Bùi Huy Bích nhưng chỉ được ba năm thì lấy lại tên cũ. Trước đó hồi (1936-1937), phố Sinh Từ đã dậy sóng vì câu chuyện tình T.T.Kh cùng bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn”. Trong giới học sinh xôn xao chuyện cô học trò Trần Thị Khánh (17 tuổi) yêu chàng thi sĩ Thâm Tâm (19 tuổi). Trần Thị Khánh là học trò trường Sinh Từ (THCS Lý Thường Kiệt ngày nay). Gia đình cô ở cuối phố Sinh Từ. Còn thi sĩ Thâm Tâm (tên thật là Nguyễn Tuấn Trình) khi đó làm cho Báo Bắc Hà do Trần Huyền Trân là chủ nhiệm ở phố Khâm Thiên.

Tình cờ Thâm Tâm hay đến chơi với người cô ở phố Cửa Nam nên gặp Kim Khánh trên đường đi chợ về nhà. Sau một thời gian lẽo đẽo theo chân người đẹp, Thâm Tâm tìm cách làm quen và hẹn hò. Duyên bén lúc nào không hay. Thâm Tâm thường rủ nàng vào trường thi Quốc tử giám chơi. Vì gần nhà nên tối đến cô Khánh thường lén đi gặp người tình. Vườn cảnh Văn Miếu lung linh trong những đêm trăng nên tình càng thơ mộng. Thâm Tâm đã làm thơ tỏ tình và đưa in báo. Chàng còn vẽ minh họa rất kỳ công. Thơ thì lấy bút danh Thâm Tâm. Minh họa ký tên thật là Tuấn Trình.

Hình ảnh con phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) cuối thế kỷ 19.

Hình ảnh con phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) cuối thế kỷ 19.

Tuy nhiên, những lần gặp cuộc tình lại không mấy mặn mà. Thâm Tâm say đắm bao nhiêu thì Trần Thị Khánh lại rụt rè bấy nhiêu. Cô em ngại vì cha mẹ rất nghiêm khắc. Cuộc gặp gỡ bao giờ cũng chóng vánh có đôi phần vội vã. Thường chàng chỉ dám hôn lên búp tay thon của nàng. Đôi mắt cô Khánh ánh lên nỗi ngại ngần e lệ mỗi lần ra về.

Sau đó Trần Thị Khánh bất ngờ kết hôn do gia đình sắp xếp. Họ đột ngột chia tay trong nỗi thất vọng tràn trề. Thâm Tâm suốt ngày ủ rũ vì nhớ nhung mối tình đầu tiên trong đời mình. Chàng còn bị bạn bè chế nhạo là kẻ si tình khờ khạo nên người yêu bỏ rơi. Thậm chí nhà thơ Trần Huyền Trân còn kể đã bắt gặp cô Khánh hí hởn với chồng trên đường phố. Vậy nên cô Khánh kia đã nhử mồi yêu và cho Thâm Tâm leo cây mà thôi. Trong lòng Thâm Tâm cay đắng bội phần.

Chuyện tình không tới ấy ngỡ sẽ lui vào dĩ vãng nhưng ít tháng sau bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn” ký tên T.T.Kh xuất hiện trên Báo Tiểu thuyết thứ Bảy số 182 (10/1937). Không ngờ bài thơ tạo nên làn sóng thi ca trong giới văn chương và nhất là bạn đọc trẻ tuổi. Bài thơ là những giọt lệ khóc cho một cuộc tình lỡ làng và đầy tiếc nuối.

Hình ảnh những bông hoa Ti-gôn như biểu tượng cho nỗi buồn của sự chia xa. Tâm sự đậm dấu ấn và tình cảm của một cô gái ám ảnh về cuộc tình của mình. T.T.Kh đã viết những câu thơ xót xa: “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/ Trời ơi! Người ấy có buồn không?/ Có thầm nghĩ tới loài hoa… vỡ/ Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?”. Hầu như những bạn trẻ đều học thuộc bài thơ tương tư sầu thương đó. Thậm chí thi sĩ Nguyễn Bính còn viết bài thơ “Dòng dư lệ” đề tặng T.T.Kh với sự chia sẻ nôn nao cõi lòng.

Ngày đó mọi người đều hỏi tác giả T.T.Kh là ai? Họ thương cảm cho nỗi buồn chia xa của cô gái bí mật ấy. Vậy cô gái ấy là ai? Những bạn bè thân quen ngày đó đều tò mò đoán chắc là chính Thâm Tâm. Chàng thi sĩ viết ra cốt chỉ để chứng minh rằng mình không bị người yêu bỏ rơi. Mà ngược lại T.T.Kh (Trần Thị Khánh) rất đau khổ phải chia tay với người yêu và luôn oán trách cho số phận trớ trêu.

Cảm xúc hóa thân trong tâm trạng một cô gái Thâm Tâm đã chinh phục được bạn đọc với những câu thơ buồn sầu vô hạn.Nhiều cô gái đồng cảm với hôn nhân trớ trêu đều thuộc khổ thơ: “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời/ Ái ân lạt lẽo của chồng tôi/ Mà từng thu chết, từng thu chết/ Vẫn giấu trong tim bóng - một người”.

Sau đó dư chấn của bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn” quá sâu rộng trong bạn đọc. Hình như có cuộc “kêu cứu” trực tiếp của cô Trần Thị Khánh, sau bài thơ thứ hai (Đan áo cho chồng); Thâm Tâm đã viết “Bài thơ cuối cùng”, in trên Tiểu thuyết Thứ Bảy, số 217 (1938) để kết thúc câu chuyện có thể ảnh hưởng xấu tới cuộc sống hôn nhân của người mình yêu. Nhưng thời gian đó đâu ai có tỏ tường mọi chuyện. Giới văn đàn đã tốn bao giấy mức để giải mã về cái tên T.T.Kh là ai?

Duyên tình với tiên cô

Dân phố Sinh Từ xưa nhiều người thuộc bài thơ trong ngôi chùa cổ Ngọc Hồ (số 128 Nguyễn Khuyến) rằng: “Ngọc Hồ có đám chay tăng/ Nức nô cảnh Phật tưng bừng hội xuân/ Dập dịu tài tử giai nhân/ Ngổn ngang mã tích xa trần thiếu ai”. Đây chính là bài thơ viết trên một chiếc lá cây bị rơi trên đường. Chàng thư sinh Trần Tú Uyên ngày ấy tình cờ nhặt được trong ngày hội làm chay ở chùa Ngọc Hồ. Chàng định viết thơ họa lại nhưng bất ngờ từ trong chùa có cô gái rất trẻ trung và xinh đẹp bước ra. Người đẹp liếc nhìn Tú Uyên làm chàng giật mình và xao xuyến trước sắc đẹp dịu dàng như bông hoa hé nụ.

Người đẹp duyên dáng đi về hướng Cửa Nam. Chàng Tú Uyên rụt rè đi theo. Dáng đi uyển chuyển trong tà áo lụa của cô gái mỗi lúc một thiết tha như mời gọi chàng. Tú Uyên mê muội bước theo. Lòng chàng đầy khát khao và trái tim rộn ràng trong lồng ngực. Vô tình chàng nhìn lại chiếc lá thơ trên tay khi ngước lên thì bóng hồng đã khuất vào vườn cây xanh ngút ngát quanh đình Quảng Văn (vườn hoa Cửa Nam). Trần Tú Uyên tìm mãi mà không thấy. Hồn chàng ngẩn ngơ ôm mộng tương tư trở về lán trọ của mình trên gò Kim Quý bên hồ Tảo Liên (nay chính là Bích Câu Đạo Quán)

Ngã ba Nguyễn Khuyến - Ngô Sỹ Liên.

Ngã ba Nguyễn Khuyến - Ngô Sỹ Liên.

Nỗi sầu muộn trong lòng Trần Tú Uyên giảm phần nào khi mua được bức tranh vẽ hình giống hệt cô gái xinh đẹp kia. Chàng luôn mộng mị mỗi khi ngắm người đẹp trong tranh. Mỗi lần từ trường học trở về chàng luôn thấy có mâm cơm dọn sẵn trên bàn. Cơm ngon canh ngọt hàng ngày chàng luôn dọn thêm bát đũa mời người đẹp trong tranh cùng ăn. Trong những đêm trăng chàng mải học và ngồi dựa vào hình bóng người đẹp để mơ về một tình yêu và an ủi nỗi cô đơn. Trong lòng chàng luôn tự hỏi ai đã giúp cho mình tận tình đến thế.

Một lần Tú Uyên bất chợt trở về giữa chừng thì bất ngờ thấy người đẹp bước ra từ khung tranh. Cô vội vã thổi cơm, dọn dẹp nhà cửa chờ chàng trở về. Không kìm được cảm xúc Tú Uyên vội vàng ôm chầm lấy người mình yêu và xé bỏ tấm tranh lụa. Lúc này cô gái mới nhận mình là Giáng Kiều, tiên cô giáng trần vì có duyện nợ với chàng từ kiếp trước. Từ đó hai người kết nghĩa phu thê. Sau này Tú Uyên tu luyện đắc đạo đã cùng vợ con được cưỡi hạc bay lên trời.

Tôi ở phố Sinh Từ

Đúng là Sinh Từ phố ghi dấu ấn những câu chuyện tình gắn bó với những bài thơ duyên định. Phố Nguyễn Khuyến ngày nay vẫn còn đậm sắc thái thiền tự, trong những câu thơ của vua Lê Thánh Tông, tại chùa bà Ngô (Ngọc Hồ) và Bà Nành (số 152 Nguyễn Khuyến). Đây là hai ngôi chùa cổ bậc nhất ở Hà Nội. Đường phố Sinh Từ sau này còn hiện diện qua những áng văn xuôi và thơ ca hiện đại tạo nên không gian văn hóa sâu đậm. Đó là nhà văn Thạch Lam đã viết về món chè đậu đen ở phố Sinh Từ.

Nhà văn Anh Đức từng sáng tác truyện ngắn “Người góa phụ phố Sinh Từ”. Nào còn đó những câu thơ hay “Em Hà Nội dáng Sinh Từ thục nữ” của Hoàng Anh Tuấn, hoặc tùy bút “Phố Sinh Từ” đầy thi vị của Hồ Hữu Tường. Ấy là chưa kể tới gia đình nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp cũng ở gần nhà người đẹp Trần Kim Khánh. Và đặc biệt những câu thơ trong bài “Nhất định thắng” (1956) của Trần Dần luôn bộc bạch: “Tôi ở phố Sinh Từ”. Và xin hãy lắng nghe nỗi niềm của thi sĩ Hoàng Anh Tuấn bày tỏ: “Tôi kiếm hồn tôi xưa - Hà Nội/ Thuở còn trong vắt gió vào Thu/ Thoảng nghe ngọt tiếng cô hàng cốm/ Chênh vênh đâu cuối phố Sinh Từ” (Yên lặng ban mai).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/toi-kiem-hon-toi-xua-ha-noi-i676985/