Tôi mang về phương Nam một Hà Nội ngọt ngào

Có một người được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất phương Nam đầy nắng gió. Cô luôn ao ước được chiêm ngưỡng vẻ rêu phong cổ kính, được đắm mình trong tiết thu se sắt hay cái giá rét của ngày đông phố cổ, được ngắm nhìn những phụ nữ Hà Thành với nét duyên dáng đặc trưng của mình… Và rồi cô cũng có dịp đến thăm mảnh đất kinh kỳ với bao háo hức, mong chờ.

Hà Nội đón tôi vào ngày cuối thu đầy nắng. Nắng dịu dàng như dải lụa chăng lên bầu trời. Cái lạnh sẽ sàng ôm lấy khiến tôi rùng mình. Tôi cố hít hà cái không khí hanh hao ấy cho căng tràn lồng ngực. Từng góc phố đẹp ngỡ ngàng dưới bước chân thu. Tôi bước đi chậm rãi trên đường Hoàng Diệu, đường Phan Đình Phùng rợp mát bóng cây cổ thụ, lắng tai nghe tiếng xào xạc dưới chân mình. Cả con đường được trải tấm thảm vàng mơ mộng. Tia nắng ngọt màu mật ong đan xen dưới vòm lá, sáng lấp lóa. Vài chiếc lá chao nghiêng, bay lượn trong không trung trước khi ngập ngừng đáp lên vai, lên tóc tôi.

Đường Phan Đình Phùng - con đường được mệnh danh "lãng mạn nhất" Thủ đô với những hàng cây cổ thụ xanh rợp bóng. Ảnh: Báo Lao động.

Đường Phan Đình Phùng - con đường được mệnh danh "lãng mạn nhất" Thủ đô với những hàng cây cổ thụ xanh rợp bóng. Ảnh: Báo Lao động.

Tôi thức dậy thật sớm, dạo quanh hồ Gươm. Ngắm Tháp Rùa mờ ảo dưới làn sương bảng lảng. Từng tốp người đi bộ, tập thể dục, hít thở không khí trong trẻo buổi sớm mai. Vài cụ già ngồi tĩnh lặng trên chiếc ghế đá ven hồ, đủ làm nên bức tranh thu đầy thanh sắc. Mặt trời dần nhô cao, rắc ánh nắng rực rỡ lên khắp đất trời. Không gian bừng sáng. Màu óng ả của nắng, màu vàng rực của cành lá ven hồ, nổi bật trên nền trời trong xanh cao vọi. Vài nhánh cây cong mình chạm vào mặt hồ phẳng lặng, thả từng đợt sóng lăn tăn mỗi khi cơn gió khẽ khàng đùa nghịch. Vạn vật đắm chìm trong bóng dáng mùa thu.

Tôi còn luyến tiếc quay lại hồ Gươm vào buổi hoàng hôn, khi mặt trời hắt tia nắng cuối ngày lên cao, biến mây thành đủ hình thù lộng lẫy. Cầu Thê Húc đỏ rực trong không gian dát vàng diễm lệ. Bước chầm chậm lên cầu, tôi vào dâng hương trước đền Ngọc Sơn, chốn tâm linh của người Hà Nội.

Hình ảnh Tháp Rùa Hồ Gươm Hà Nội trong buổi sớm mai. Ảnh: Internet

Hình ảnh Tháp Rùa Hồ Gươm Hà Nội trong buổi sớm mai. Ảnh: Internet

Tôi đến Quảng trường Ba Đình viếng Lăng Bác. Hàng tre xanh rì trước lăng gợi tôi nhớ đến câu thơ “con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác, đã thấy trong sương hàng tre bát ngát” của nhà thơ Viễn Phương. Hòa vào dòng người thành kính chờ vào lăng, lòng tôi dâng lên một niềm xúc động khó diễn tả thành lời.

Nhận lời mời của một người bạn Hà thành, tôi đến ở nhà bạn ngay trên phố cổ, để cảm nhận hết không khí nơi này. Lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy 36 phố phường, mà trước đó chỉ trong những áng văn chương. Những cái tên gợi biết bao cảm xúc: Hàng Trống, Hàng Đẫy, Hàng Buồm, Hàng Than, Hàng Mã… Phố cổ vào thu mang một màu sắc rất riêng, phảng phất chút nhẹ nhàng pha loãng cái ồn ào nhộn nhịp.

Vẫn là nhà cửa san sát, hàng hóa trưng bày rực rỡ, kẻ mua người bán tấp nập. Nhưng phố cổ không giống bất cứ nơi buôn bán sầm uất nào khác. Bức tường vôi bạc màu, mái ngói rêu phong, ô cửa chớp màu xanh trên cao, hàng cây thay lá giữa khúc hát giao mùa, hàng quán lâu đời gắn liền với từng con phố, gánh hàng rong đầy màu sắc bên đường, đều toát lên cái hồn, cái cốt chỉ có ở phố cổ Hà Nội.

Tôi ở tầng hai, sát ban công. Từ đây, tôi vừa nhâm nhi tách trà nóng, vừa đón nhận âm thanh phố phường. Tôi thong thả ngắm dòng người tấp nập bên dưới, tách mình ra khỏi sự náo nhiệt của nó. Tôi thả bước dọc các con phố, ống kính máy ảnh lần tìm đến khung cửa khép hờ, đến con người, cảnh sắc trên các tầng, để ghi lại những khoảnh khắc đầy sắc màu xưa cũ.

Tầng một mang dáng vẻ của cuộc sống hiện đại, với cơ man nào quán xá, bảng hiệu. Tầng một tận dụng từng centimet trưng bày hàng hóa, cho xứng tấc đất tấc vàng. Tầng một ồn ã cả ngày lẫn đêm. Tầng một gắn liền với cuộc sống cơm áo gạo tiền, gánh nặng mưu sinh, lo toan trăn trở.

Nhịp sống nhẹ nhàng, lắng động ở khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Kinh tế đô thị.

Nhịp sống nhẹ nhàng, lắng động ở khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Kinh tế đô thị.

Tầng hai và các tầng trên rất khác. Nó tách biệt khỏi tầng một, dù cùng một ngôi nhà. Nơi đó lưu giữ một Hà Nội cổ xưa, lưu giữ nếp sinh hoạt đậm đà bản sắc người Tràng An, truyền thừa qua bao thế hệ. Tôi may mắn sống trong không khí tứ đại đồng đường của gia đình bạn. Bà cố, ông bà nội, đến con cháu, từ khi sinh ra đã gắn liền với phố cổ. Mọi người nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, lễ phép, một tiếng thưa hai tiếng gửi. Đến bữa cơm thì người nhỏ mời từng người lớn, xong hết mới bắt đầu ăn. Các bà, các chị trông rất nhẹ nhàng. Họ đi đứng khoan thai, không hấp tấp vội vàng, cũng không rề rà chậm chạp. Họ không lòe loẹt theo mốt, ăn mặc đúng tuổi đúng thì, đơn giản mà chỉn chu. Không bao giờ ra đường mà chưa chỉnh trang áo quần đầu tóc.

Chị của bạn đã ngoài năm mươi, nói chuyện với tôi luôn miệng vâng ạ. Chị bảo đó là cách nói chuyện của gia đình chị, cũng là của người dân Hà Thành. Trò chuyện cùng chị, tôi biết thêm tính cách người Hà Nội. Họ cư xử thanh lịch trong từng cử chỉ, cẩn trọng lời ăn tiếng nói, không tranh cãi, không hơn thua. Họ từ tốn, chậm rãi trong giao tiếp, trong hành xử cũng như quyết định. Họ sống kín đáo, không phô trương, có chừng mực. Họ quan tâm đến hàng xóm láng giềng nhưng vẫn giữ sự riêng tư cho mình và cho người khác.

Trong câu chuyện thỉnh thoảng xen lẫn tiếng thở dài, chị lo lắng khi giới trẻ Hà Thành không còn giữ được truyền thống. Tôi thì nghĩ khác, cuộc sống không chỉ có hoài niệm mà cần có cái mới, tiến bước để bắt nhịp. Tôi tin rằng, những người con Hà Nội, dù cuộc sống có hiện đại đến đâu chăng nữa thì những truyền thống lâu đời vẫn nằm trong huyết quản, nó luôn ở đó, không mất đi, không phai nhạt. Và, cái hồn cốt ấy vẫn được lưu giữ dưới những mái nhà cổ, sau cánh cửa im lìm trên cao.

Ở phố cổ, tôi được đắm mình trong âm thanh nói như hát của tiếng mẹ đẻ, quen mà lạ. Khác với giọng miền Nam nhẹ nhàng, giọng nói phương Bắc giàu nhạc điệu. Không khó để nghe giọng Hà Nội giữa trời Nam. Nhưng chỉ tại đây, chất giọng ấy trở về đúng không gian của nó, bổng trầm du dương. Người ta khen phụ nữ Hà Thành duyên dáng. Thì giọng nói, cách thức nói chuyện chính là nét duyên dễ thấy nhất.

Cái duyên của phụ nữ Hà Nội còn ở chỗ giỏi nữ công gia chánh. Nhờ thế đã sáng tạo ra vô vàn món ăn níu chân du khách, nào bún thang, bún chả, nem, cốm…Chả cá Lã Vọng, bún chả Hàng Mành, phở Bát Đàn, chả rươi, bún ốc, xôi xéo… nghe thôi đã thèm.

Mùa về trên những chiếc xe hoa. Ảnh: VOV.

Mùa về trên những chiếc xe hoa. Ảnh: VOV.

Dạo chơi trên các nẻo đường Hà Nội, tôi thích thú trước những chiếc xe hoa chở cả mùa về trên từng con phố. Khác với nơi tôi sống, hoa được bày bán ở chợ, ở tiệm hoa, không ai chở hoa đi khắp phố phường như thế. Tôi mua cho mình một bó cúc vàng. Rồi điệu đà, chụp tấm hình bên chiếc xe hoa xinh xắn.

Gặp một chị đôi gánh kĩu kịt, đúng hình ảnh gánh hàng rong. Ở phương Nam, hàng rong chất đầy trên mấy chiếc xe đạp, xe máy, xe đẩy, không ai gánh như ở đất này. Chị mời tôi mua cốm tươi. Dù không phải cốm làng Vòng trứ danh, tôi vẫn nhớ hoài màu xanh mơn mởn của hạt cốm gói trong lá sen, buộc bằng cọng rơm. Xinh xắn, thơm lừng. Tôi bốc vài hạt, chậm rãi nhai, cảm nhận hết cái dẻo thơm, ngọt bùi của hạt lúa non hòa cùng hương vị lá sen. Chị mời tôi mua thêm chuối tiêu ăn cùng. Chị nói mùa cốm cũng là mùa chuối tiêu ta, mà phải là loại chuối chín vàng có đốm hình trứng cuốc mới ngon. Hai thức ấy đến cùng mùa, ăn cùng nhau, thêm đậm đà hương vị.

Hà Nội còn có nhiều tòa nhà cao chọc trời, bên cạnh những kiến trúc cổ xưa, rêu phủ. Biết bao nhà hàng, quán bar, điểm vui chơi hào nhoáng. Tôi không thấy nó đối nghịch mà hòa quyện, tạo nên bức tranh với nhiều gam màu sinh động.

Trái tim tôi bận rộn lưu giữ vô vàn vẻ đẹp Hà Nội, để mang về phương Nam một Hà Nội ngọt ngào hương thơm của hoa, của cốm, của tình người…

Hoàng Ngọc Thanh

Lưu Hường

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/toi-mang-ve-phuong-nam-mot-ha-noi-ngot-ngao-277108.htm