'Tôi mới 17 tuổi, chỉ vì bộc lộ cảm xúc mà bị dân mạng tấn công'

Với Thu Hằng, vô địch cuộc thi 'Đường lên đỉnh Olympia' là dấu mốc đáng nhớ nhất trong 12 năm đi học, đồng thời mở ra cho cô nhiều cơ hội mới.

Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh năm 2003) - học sinh lớp 12 trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình - là quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Cô là nhà vô địch đầu tiên đến từ tỉnh Ninh Bình và quán quân nữ thứ 4 trong số 20 người bước lên bục cao nhất của Olympia đến nay. Đây là bài viết Thu Hằng dành riêng cho Zing.

Nếu ai đó hỏi giấc mơ đẹp đẽ nhất thời thanh xuân là gì, tôi sẽ không chần chừ mà đáp rằng đó là Đường lên đỉnh Olympia.

Mỗi năm, 144 thí sinh lại mang theo đam mê cháy bỏng và khát khao chinh phục đỉnh núi tri thức tới S14. Tôi là người duy nhất trong năm 2020 chạm đến vinh quang cuối cùng. Tôi thấy mình thật sự may mắn.

Trưởng thành hơn

Khi đặt bút đăng ký dự thi Olympia, tôi chỉ cố gắng đi sâu nhất có thể và đạt được mong muốn của bản thân. Tôi không nghĩ mình lại trở thành nhà vô địch nữ sau 9 năm, là một trong số người hiếm hoi như vậy.

Đối với tôi, đó là chiến thắng vui nhất trong 4 trận ở Olympia, không phải vì là trận cuối cùng. Vinh quang này nằm ngoài sức mong đợi vì ngay từ đầu, tôi là thí sinh bị đánh giá yếu nhất. Mọi người đổ xô ánh nhìn, dành kỳ vọng nhiều hơn cho Quốc Anh, Tuấn Kiệt, Dũng Trí - 3 bạn nam cùng thi với tôi.

Tôi hiểu mọi người có cơ sở nghĩ như vậy vì ở trận quý, tôi thể hiện không thật sự tốt. Nhưng tôi nghĩ đã đến đây thì chúng tôi đều bình đẳng, thi với nhau về mặt kiến thức chứ không phải giới tính hay gì khác.

 Thu Hằng là quán quân Đường lên đỉnh Olympia đầu tiên tới từ tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thu Hằng là quán quân Đường lên đỉnh Olympia đầu tiên tới từ tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Quỳnh Trang.

Một điều khá phi lý là chính vì không được đánh giá cao, tôi lại có được tâm lý thoải mái hơn họ khi bắt đầu cuộc chơi. Không phải tôi nghĩ rằng “Thua cũng không sao” mà chỉ cố gắng tập trung làm tốt nhất có thể.

Đến giây phút biết mình chiến thắng, cảm xúc trong tôi như vỡ òa vì đã chờ đợi từ quá lâu.

Vì dịch bệnh, hôm đó chỉ có khoảng 10 người thân của tôi được vào trong phía khán đài. Nhìn họ reo lên trong niềm vui và xúc động, tôi chỉ muốn chạy lên ôm chầm lấy tất cả. Tôi cũng cố ngoái nhìn về màn hình phía sau lưng, nơi truyền hình ảnh từ trường cấp 3 của mình để có thể trông thấy từng gương mặt đang vui mừng thế nào.

Nếu ở trận tuần, tháng, quý, tôi sẽ điềm tĩnh hơn. Nhưng trước chiến thắng đến khá bất ngờ, tôi không thể ngăn được dòng cảm xúc. Tôi biết đó là ước mơ và mong muốn không phải của riêng mình, mà rất nhiều bạn khi đến với Olympia.

Tôi có chút tự hào về hành trình rất dài mình đi qua. Vinh quang này không phải nỗ lực của riêng tôi mà là công sức của thầy cô, gia đình và bạn bè.

Tối về, xem lại trận chung kết, tôi thấy vài hình ảnh khá đáng yêu. Thế nhưng sáng hôm sau, khi bật máy tính và truy cập mạng, tôi sững sờ khi biết mình bị “gạch đá” nhiều như thế. Tôi thấy rất tủi thân.

Tôi chỉ là một cô gái 17 tuổi, trải nghiệm cuộc sống ở bên ngoài còn khá ít. Tôi bộc lộ cảm xúc trước niềm vui đến bất ngờ nhưng lại bị cho là có thái độ “quá tự tin”. Mọi chuyện có ảnh hưởng khá nhiều đến tôi về mặt tâm lý.

May mắn là ngay sau đó, gia đình, thầy cô, bạn bè động viên tôi rất nhiều. Không ít người anh, người chị cũng lên tiếng bảo vệ tôi.

Bản thân tôi đã có cho mình những bài học riêng.

Tôi quyết định đón nhận tất cả phản ứng từ bên ngoài. Chuyện gì đến với mình cũng đều có lý do, nên tôi không coi đó là trải nghiệm đau lòng. Như cô giáo chủ nhiệm của tôi vẫn thường nói, chúng ta phải tôn trọng sự đa dạng của cuộc sống. Mỗi người có ý kiến riêng, nếu mình nhìn nhận, rút ra được bài học từ đó thì rất tốt.

 Thu Hằng thi đấu bùng nổ và ấn tượng trong trận chung kết Olympia năm thứ 20. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thu Hằng thi đấu bùng nổ và ấn tượng trong trận chung kết Olympia năm thứ 20. Ảnh: Quỳnh Trang.

Sau Olympia, tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Đi ra ngoài mở rộng mối quan hệ, trải nghiệm nhiều thứ mà không phải tất cả người 17 tuổi đều được trải qua. Tôi cũng biết sức nóng dư luận như thế nào, phải đối diện ra sao.

Trải nghiệm khiến người ta trưởng thành hơn trong cuộc sống, tất nhiên, không phải lúc nào cũng toàn niềm vui.

Như một giấc mơ

5 tháng trôi qua kể từ trận chung kết, giờ nhiều lúc nghĩ lại, tôi vẫn thấy vui và hạnh phúc. Mọi chuyện giống như một giấc mơ và hành trình đến đó cũng rất dài.

Tôi nhớ từ hồi cấp 2, mình đã đam mê và để các hình ảnh liên quan đến Olympia. Việc đơn giản nhất tôi thường làm để chuẩn bị cho hành trình này là đọc trước sách giáo khoa của năm học đó và các lớp trên. Khi đọc báo hay bất cứ tài liệu nào, tôi luôn có thói quen ghi chép lại thông tin hữu ích.

Việc ôn luyện của tôi không phải cứ chủ động đi tìm tài liệu và học theo, mà là quá trình tích lũy rất tự nhiên như thế.

 Thu Hằng là quán quân nữ đầu tiên sau 9 năm các nam sinh thống trị vòng nguyệt quế. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thu Hằng là quán quân nữ đầu tiên sau 9 năm các nam sinh thống trị vòng nguyệt quế. Ảnh: Quỳnh Trang.

Sau khi tôi vô địch, dì mới kể lại câu chuyện vui từ hồi tôi còn học tiểu học. Ngày đó, tôi xem chương trình vì thích thú chứ chưa biết gì về các kiến thức trong đó.

Có lần chiếu tới đoạn giới thiệu mở màn Olympia, tôi - không hề biết đó là nơi dành để tôn vinh các quán quân - nói với dì rằng: “Thế nào rồi một ngày cháu cũng sẽ xuất hiện ở trên này”.

Không ngờ bây giờ, hình ảnh của tôi đã có ở đó thật rồi.

Tôi nghĩ chỉ từ một câu nói vu vơ như vậy, nhưng nếu đủ quyết tâm, đủ cố gắng thì hoàn toàn có thể đi đến kết quả mình mong muốn. Tất nhiên, căng thẳng, áp lực là điều không tránh khỏi trên con đường đó.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn giật mình khi đang ngủ vì tưởng như mình vẫn còn ở trong giai đoạn chuẩn bị cho trận chung kết năm đầy áp lực. Khi tỉnh dậy, tôi vẫn thấy toát mồ hôi vì có chút sợ hãi.

Đến giờ, tôi vẫn giữ liên lạc với Quốc Anh, Tuấn Kiệt và Dũng Trí. Khi nhập cuộc chơi, chúng tôi có thể là 4 đối thủ đều mang theo kỳ vọng rất lớn của quê hương, nhà trường, gia đình. Nhưng khi bước xuống sân khấu, chúng tôi trở lại là những người bạn.

Mỗi người đều phải có con đường riêng cho mình, không ai hơn kém ai ở khoản nào cả. Tôi chiến thắng ở cuộc thi này không có nghĩa là giỏi hơn họ ở lĩnh vực khác ngoài cuộc thi.

Đúng là sau Olympia, tôi nổi tiếng hơn, đi đâu ra đường cũng có người nhận ra. Thế nhưng, tôi thấy mình không thay đổi gì nhiều, ngoài mái tóc được cắt ngắn để trông trẻ trung, năng động hơn.

Thỉnh thoảng, khi không bận rộn với việc học, tôi vẫn đăng video vui, quay clip bắt trend giới trẻ như bao cô gái 17 tuổi khác.

Không phải cái bóng mãi không thể vượt qua

Vô địch Olympia là dấu mốc đáng nhớ nhất trong 12 năm đi học của tôi. Thế nhưng, vòng nguyệt quế vinh quang cũng đi kèm áp lực, kỳ vọng mới.

Tôi là học sinh đầu tiên của tỉnh Ninh Bình đạt được thành tích như vậy nên mọi người đều đổ dồn ánh nhìn vào mình. Tôi nghĩ việc duy trì phong độ sau cuộc thi rất quan trọng và tự dặn mình phải cẩn thận, chu đáo hơn trong mọi việc.

Tôi mong kết quả ở Olympia là bước đệm chứ không phải cái bóng để mình mãi không thể vượt qua. Điều đó có thành hiện thực hay không đều nằm ở nỗ lực trong tương lai của tôi.

Và tôi đang tìm kiếm cơ hội, thử thách mới để chinh phục.

Tôi nghĩ kiến thức mình có được phần lớn ngoài bản thân còn là công sức của thầy cô, gia đình, bạn bè. Bởi vậy, khi đạt được thành công, tôi muốn chia sẻ cho các thế hệ sau để nối tiếp thành công ấy.

Đó cũng là lý do sau khi trở về từ Olympia, tôi cùng các thầy cô trong BCH Đoàn trường thành lập CLB Sao Khuê Kim Sơn A. Đây là điểm hẹn dành cho các bạn đam mê tìm hiểu kiến thức, đặc biệt là xây dựng cuộc thi Sao Khuê Kim Sơn A theo đúng format của Đường lên đỉnh Olympia.

Được tin tưởng giao giữ chức vụ chủ nhiệm CLB năm đầu tiên, tôi đang cùng mọi người soạn đề thi để tìm kiếm gương mặt đại diện cho trường thi Olympia năm sắp tới.

 Quán quân Olympia 2020 đang chuẩn bị hành trang cho việc du học. Ảnh: NVCC.

Quán quân Olympia 2020 đang chuẩn bị hành trang cho việc du học. Ảnh: NVCC.

Trước khi dự thi Olympia, tôi đã nuôi ước mơ đi du học vì muốn có cơ hội trải nghiệm nền giáo dục tân tiến trên thế giới để về đóng góp cho quê hương.

Giờ đây, khi vừa đạt được vinh quang trong niềm yêu thích của mình, tôi cũng gặt hái được suất học bổng giá trị. Năm tới, tôi dự định đi du học ở Australia.

Hiện tại, tôi vẫn đang trong quá trình tìm hiểu bản thân, chưa quyết định sẽ theo đuổi ngành gì. Trước mắt, tôi cố gắng trau dồi khả năng ngoại ngữ, học thêm để có đủ chứng chỉ cần thiết cho việc du học. Tôi không quá lo ngại về điều này vì trước đây, Tiếng Anh là một trong những môn thế mạnh của tôi.

Ngoài ra, tôi còn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, cuộc sống ở xứ sở chuột túi để khi sang học phần nào đỡ bỡ ngỡ.

Về vấn đề về nước hay ở lại nước ngoài ngay sau khi hoàn thành chương trình học, tôi chưa thể nói trước điều gì vào lúc này. Nhưng nếu có cơ hội, năng lực phục vụ đất nước, tôi chắc chắn sẽ trở về vì còn gia đình, quê hương ở đây.

Nguyễn Thị Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-moi-17-tuoi-chi-vi-boc-lo-cam-xuc-ma-bi-dan-mang-tan-cong-post1183915.html