Tội phạm băng đảng vẫn là thách thức lớn với tân Tổng thống Ecuador
Việc một doanh nhân kiêm nhà ngoại giao không chính thức người Anh bị bắt cóc tại Ecuador tuần trước nhắc nhở rằng cuộc chiến chống lại các băng đảng tội phạm đang hoành hành khắp đất nước này vẫn còn đầy cam go với tân tổng thống Noboa.
Từ vụ bắt cóc doanh nhân nổi tiếng
Theo báo cáo của cảnh sát, ông Colin Armstrong - doanh nhân người Anh và cựu lãnh sự danh dự của Vương quốc Anh tại thành phố Guayaquil, đã bị bắt cóc bởi những kẻ bịt mặt tại nhà riêng ở thị trấn Baba, tỉnh Los Rios của Ecuador. Nạn nhân bị bắt cóc vào rạng sáng thứ Bảy (16/12) cùng với một phụ nữ Colombia được xác định là bạn gái của ông, Katherine Paola Santos.
Colin Armstrong là một nhân vật khá nổi tiếng tại Ecuador. Doanh nhân 78 tuổi này là người sáng lập và sở hữu Agripac - công ty sản xuất và kinh doanh nông thủy sản lớn nhất Ecuador với 176 cửa hàng trên toàn quốc. Với tài sản ước tính vài trăm triệu USD, ông Armstrong có thể xem như một trong những người giàu nhất tại Ecuador.
Một đoạn video đăng trên mạng xã hội cho thấy tại ngôi nhà nơi ông Armstrong bị bắt cóc có những tấm ga trải giường dính máu và các căn phòng bị lục soát. Còn báo cáo của cảnh sát cho biết hai nạn nhân đã bị chở đi trên chiếc BMW màu đen của chính ông, và chiếc xe sau đó được tìm thấy bị bỏ rơi trên con đường vắng vẻ giữa Baba và thị trấn Saliter lân cận.
Nạn bắt cóc tống tiền càng trở nên phổ biến ở Ecuador khi tội phạm bạo lực gia tăng - chủ yếu do các băng nhóm buôn bán ma túy gây ra - đã biến nước này từ một trong những quốc gia an toàn nhất ở Mỹ Latinh thành nguy hiểm nhất chỉ trong 5 năm, theo cuộc thăm dò ý kiến của Viện Gallup năm 2022.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, số vụ bắt cóc tại Ecuador đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2022, lên tới 189 vụ. Nhưng đấy mới chỉ là những trường hợp nạn nhân báo với nhà chức trách. Đa số kẻ bắt cóc tìm cách dứt điểm nhanh chóng vụ việc nên yêu cầu số tiền chuộc thấp (chỉ khoảng vài nghìn USD), khiến gia đình nạn nhân hầu hết đều chấp nhận im lặng nộp tiền để giải cứu người thân thay vì báo cảnh sát.
Mặc dù những kẻ bắt cóc chỉ muốn tiền chuộc, song với những con tin giàu có như ông Armstrong, chiến thuật sẽ tàn bạo hơn nhiều bởi chúng biết, số tiền kiếm được tỷ lệ thuận với khả năng đe dọa gia đình nạn nhân. Thông thường, bọn tội phạm sẽ cắt cụt một vài ngón tay của người bị bắt và gửi hình ảnh đó tới gia đình họ nhằm gây áp lực để đòi số tiền chuộc cao hơn.
Hồi tháng 3 năm nay, vợ của một doanh nhân ở thành phố cảng Guayaquil nhận được hình ảnh ai đó cắt hai ngón tay khỏi bàn tay trái của chồng cô, đe dọa sẽ cắt xẻo anh ta thêm vài chỗ nữa trừ phi chúng nhận được 100.000 USD. Hoặc một vụ việc tương tự xảy ra cuối năm 2022, khi cảnh sát công bố bức ảnh chụp một người lính hải quân Chile bị những kẻ bắt cóc cắt cụt hai ngón tay khi anh này tới Ecuador thăm bạn gái.
Vấn nạn cũ với chính phủ mới
Bắt cóc tống tiền chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh tội phạm đang phủ bóng lên đời sống kinh tế-xã hội Ecuador. Trong khoảng 3 năm gần đây, đất nước từng nổi tiếng thanh bình này trở nên hỗn loạn trước sự hoành hành của những băng đảng buôn bán ma túy, những kẻ tạo dựng quyền lực của mình thông qua các cuộc tấn công khủng bố, các màn “thanh toán” khủng khiếp, tống tiền, bắt cóc và thậm chí tấn công các cơ quan công quyền.
Thống kê của Bộ Nội vụ Ecuador hồi tháng 6 năm nay cho hay, các vụ giết người ở nước này đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2019, đạt mức kỷ lục 4.800 vụ vào năm 2022, khiến hàng trăm nghìn người dân Ecuador phải rời bỏ đất nước tìm kiếm một cuộc sống an toàn hơn. Trong khi đó, tờ El Pais của Tây Ban Nha cho biết, tính đến tháng 10 năm nay, bạo lực liên quan đến băng đảng tội phạm có tổ chức tại Ecuador đã dẫn đến 6.348 vụ giết người, tương đương với tỷ lệ 34,8 vụ trên 100.000 cư dân, cao thứ ba tại Mỹ Latinh.
Một văn bản chính thức mà El Pais có được từ cơ quan an ninh Ecuador tiết lộ hiện nay 11 băng đảng tội phạm lớn nhất đang kiểm soát thế giới ngầm ở 21/24 tỉnh thành trên cả nước, với trang bị vũ khí không thua kém gì cảnh sát và mức độ tàn bạo ngày càng đáng sợ. Ở cấp độ quốc tế, chúng đảm nhận việc buôn bán và trung chuyển cocain từ Colombia tới Bắc Mỹ cũng như châu Âu thông qua một số cảng tại Ecuador. Ở cấp địa phương, các băng nhóm này “ăn nên làm gia” nhờ tống tiền, bắt cóc, tiêu thụ đồ ăn cắp.
Trước vấn nạn nhức nhối này, tân Tổng thống Ecuador Daniel Noboa đã hứa sẽ trấn áp các băng đảng ma túy và tội phạm có tổ chức khi nhậm chức vào cuối tháng 11. Là con trai của một ông trùm chuối và một người gốc Guayaquil, ông Noboa đã cam kết giành lại quyền kiểm soát thành phố cảng này, nơi hiện được xem như cửa ngõ xuất khẩu cocaine hàng đầu tới Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.
Nhưng quyết tâm của ông Noboa đã sớm bị đe dọa ngay từ khi ông còn đang chạy đua vào dinh tổng thống. Chiến dịch vận động tranh cử của ông Noboa diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử bị tàn phá bởi bạo lực, trong đó 8 chính trị gia bị giết hại, bao gồm cả nhà vận động chống tham nhũng và ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng thống, Fernando Villavicencio. Chính trị gia này bị bắn chết khi sắp rời khỏi một trường trung học ở thủ đô Quito sau buổi mít tinh với các thành viên trong đảng Movimiento Construye của ông hồi tháng 8 năm nay.
Tình trạng vô luật pháp trên đường phố đã gây ra phản ứng dữ dội nhằm vào chính phủ cựu Tổng thống Guillermo Lasso, là một trong những nguyên nhân khiến ông này thêm sa lầy trong cuộc khủng hoảng chính trị. Công chúng Ecuador cho rằng, hoạt động tội phạm ngày càng bùng nổ tại nước này có phần tiếp tay từ chính phủ thụ động của ông Lasso. Dưới thời ông này, hệ thống tư pháp thường xuyên bỏ lọt thủ phạm, trong lúc lực lượng thực thi pháp luật và quân nhân có nhiều người “nhúng chàm” khi tham gia “bảo kê” cho tội phạm, thậm chí kết hợp làm ăn hoặc trấn lột tiền của chính những kẻ buôn ma túy. Và, trên hết là sự thờ ơ của chính phủ vô hình trung đã “bàn giao” nhiều khu vực của đất nước cho các lãnh chúa tội phạm.
Tất cả những vấn đề ấy, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chúng vẫn đang là bóng đen phủ lên giai đoạn “trăng mật” của chính phủ mới tại Ecuador.
Nỗ lực đáng ghi nhận của ông Noboa
Nhưng nói như vậy không đồng nghĩa với việc ông Noboa chấp nhận chung sống với những vấn nạn cũ của đất nước. Trái lại, vị tổng thống 36 tuổi đang mở một chiến dịch trấn áp mạnh tay. Trong đó đáng chú ý nhất là vụ bắt giữ 29 nghi can, bao gồm nhiều thành viên các cơ quản lý tư pháp của đất nước hôm 15/12 vừa qua như một phần của cuộc điều tra đường dây buôn bán ma túy lớn.
Văn phòng Tổng chưởng lý Ecuador cho biết hàng trăm công tố viên và cảnh sát đã thực hiện hơn 75 cuộc đột kích vào các văn phòng của Hội đồng Tư pháp cũng như nhà của các thẩm phán, công tố viên và cảnh sát bị cáo buộc “nhúng chàm”. Theo Tổng chưởng lý Ecuador, bà Diana Salazar, cuộc điều tra cho thấy "các cơ cấu tội phạm tồn tại ở tất cả các cấp hành chính và liên quan trực tiếp đến buôn bán ma túy”. Bởi lẽ, trong số những người bị bắt có cựu giám đốc cơ quan quản lý nhà tù quốc gia, tướng Pablo Ramirez và Chủ tịch Hội đồng Tư pháp Ecuador, ông Wilman Teran cùng nhiều nhân viên của cơ quan quản lý nhà tù, luật sư, cảnh sát và thẩm phán.
Bà Salazar tin rằng, nhiều năm qua các thủ lĩnh tội phạm đã trả tiền cho những quan chức tham nhũng giám sát vụ án của chúng để dàn xếp những phán quyết có lợi. “Ma túy-chính trị đang bị vạch trần ở Ecuador,” Tổng chưởng lý Salazar nhấn mạnh trong một tuyên bố trước truyền thông về chiến dịch bắt giữ kể trên.
Đây có thể xem như một đòn mạnh mẽ mà chính phủ của tân Tổng thống Daniel Noboa giáng vào thế giới tội phạm cũng như các chính trị gia “tha hóa” tại Ecuador. Dù Văn phòng tổng chưởng lý Ecuador cảnh báo về khả năng leo thang bạo lực nhằm đáp lại chiến dịch bắt giữ này, song điều đó không thể ngăn được quyết tâm của ông Noboa.
Vị tổng thống trẻ nhất lịch sử Ecuador đang nhắm đến việc củng cố Đơn vị Phân tích tài chính (UAFE), cơ quan chịu trách nhiệm chống rửa tiền của chính phủ nước này. UAFE vốn hoạt động rất kém hiệu quả dưới thời cựu Tổng thống Lasso. Từ năm 2017 đến năm 2021, đơn vị này đã báo cáo 102 giao dịch đáng ngờ cho Tổng chưởng lý Ecuador, nhưng không có giao dịch nào trong đó liên quan đến “rửa tiền” và cuối cùng, cũng chỉ có 11 giao dịch dẫn đến các bản án.
“Những kẻ buôn lậu ma túy có 500 cách rửa tiền sáng tạo”, Tổng thống Noboa nhấn mạnh khi nói đến sự cần thiết phải cải tổ UAFE, đồng thời cho biết thêm, ông sẽ thành lập một đơn vị tình báo mới nhằm giúp sức cho hoạt động triệt phá tội phạm băng đảng ở Ecuador.