Tội phạm cướp có vũ trang lấy bằng MIT nhờ khóa học code trong tù

Một chương trình có tên 'Chiến binh sau song sắt' của MIT đã mang đến cơ hội theo học ngành khoa học máy tính cho các tù nhân nhà tù tại Washington D.C.

Năm 1983 là lần cuối Rochell Crowder (57 tuổi) làm một công việc văn phòng. Khi ấy, máy tính vẫn chưa phải là trung tâm điều khiển cuộc sống hàng ngày.

Giờ đây, sau gần 4 thập kỷ, ngày 8/9 vừa qua, ông đã tốt nghiệp khóa học khoa học máy tính do các nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giảng dạy.

Crowder phạm tội cướp có vũ trang hồi năm 2020. Ông hiện cũng là một trong 16 học viên nam đăng ký tham gia khóa học khoa học máy tính tại nhà tù đặc khu Washington D.C.

"Đây thật là một con đường đúng đắn", Crowder cảm thán.

Chiến binh sau song sắt

Có tên "Brave Behind Bars" (tạm dịch: Chiến binh sau song sắt), khóa học đưa chương trình giảng dạy khoa học máy tính vào các dịch vụ giáo dục được cung cấp tại nhà tù. Các chuyên gia hy vọng tù nhân sau khi tham gia khóa học sẽ dễ dàng hơn trong việc tái hòa nhập cộng đồng.

Không chỉ ở Washington D.C., khóa học còn được cung cấp tại một nhà giam nữ ở bang Maine.

"Đó là những kỹ năng có thể chuyển giao và có ích trong việc tuyển dụng", Amy Lopez, Phó giám đốc phụ trách tái hòa nhập cộng đồng cho tù nhân của Sở Quản lý tù nhân D.C. đánh giá về "Chiến binh sau song sắt".

 Các học viên khóa "Chiến binh sau song sắt". Ảnh: New York Times.

Các học viên khóa "Chiến binh sau song sắt". Ảnh: New York Times.

Bắt đầu thí điểm vào mùa hè năm 2021 tại các nhà tù khu vực New England phía đông bắc Mỹ, chương trình dạy các ngôn ngữ mã hóa cơ bản như JavaScript và HTML với hy vọng có thể giúp tù nhân có một công việc lương cao trong tương lai. Những nhà sáng lập chương trình cho biết họ đang trao đổi với các trường đại học địa phương và các công ty công nghệ quốc gia để cấp bằng đại học hoặc việc làm trong tương lai cho những học viên này.

Đại diện của Microsoft, Đại học Howard và Đại học Georgetown cũng đến tham dự lễ tốt nghiệp của các tù nhân hôm 8/9 vừa rồi.

"Sau khi tham gia khóa học, dù chưa thể cạnh tranh với các lập trình viên kinh nghiệm trong ngành, các tù nhân ít nhất đã có một bước đệm nhỏ để mai này bước vào một thế giới đòi hỏi kiến thức về kỹ thuật số", Martin Nisser, nghiên cứu sinh khoa học máy tính tại MIT kiêm đồng sáng lập của "Chiến binh sau song sắt" nói.

Lễ tốt nghiệp đáng nhớ

Ngày đầu tiên Crowder vào lớp, ông thậm chí không biết cách lưu tài liệu hay chia sẻ màn hình của mình với trợ giảng. Khi phải đổi tên một tệp hoặc lần đầu nhìn thấy mã máy tính trông giống như thứ gì đó bước ra từ bộ phim "Ma trận", Crowder nói rằng ông ấy đã muốn từ bỏ.

Và không phải mình Crowder thấy thế.

Antonio Hawley (19 tuổi) nhiều lúc cũng cảm thấy bất lực với giáo trình và khó tập trung học khi vụ án của mình còn đang chưa đâu vào đâu. Cậu bị buộc tội trong một vụ xả súng gây chết người trên Điện Capitol vào năm ngoái và đã từng tham gia một khóa học về robot máy tính hồi lớp 8.

 Antonio Hawley và thẩm phán Zia M. Faruqui. Ảnh: New York Times.

Antonio Hawley và thẩm phán Zia M. Faruqui. Ảnh: New York Times.

Đều đặn 2 lần/tuần vào các giờ hành chính tại các phòng nghỉ, các học viên được đào tạo khoa học máy tính dưới sự dẫn dắt của một cựu sinh viên và 18 trợ giảng từ MIT, Harvard và một số trường đại học khác. Giờ đây, tại lễ tốt nghiệp hôm 8/9, họ có thể hãnh diện giới thiệu bản thân cũng như dự án của mình.

Christopher Green (35 tuổi), một học viên của khóa học, cho biết dự án của anh là thiết kế một trang web biến sân vận động Robert F. Kennedy thành một khu phức hợp nghệ thuật và học tập. Theo đó, khu phức hợp này có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc ban ngày, đào tạo việc làm và các lớp khoa học, toán học cũng như các chương trình khác cho các gia đình có nhu cầu.

Green cũng bày tỏ mong muốn gia đình mình có thể đóng khung chứng chỉ tốt nghiệp khóa học như ghi nhận sự cố gắng của anh. Anh bị kết tội giết người cấp độ 1 trong một vụ xả súng năm 2017 dẫn đến cái chết của một huấn luyện viên bơi địa phương.

"Tôi muốn con mình thấy được sự cố gắng để được về nhà của tôi. Ai mà ngờ bố nó từ khu biệt giam vẫn có thể tham gia một khóa học của MIT", anh nói.

Crowder cũng nhận được phản hồi tốt từ các trợ giảng. Người đàn ông 57 tuổi này đã lập ra một trang web có tên "Tù nhân ẩn danh" với mong muốn tạo ra một không gian an toàn cho những tù nhân chia sẻ câu chuyện và tìm kiếm sự hỗ trợ.

 Các tù nhân nói về dự án của mình trong buổi lễ tốt nghiệp. Ảnh: New York Times.

Các tù nhân nói về dự án của mình trong buổi lễ tốt nghiệp. Ảnh: New York Times.

Buổi tốt nghiệp không chỉ có mặt những tù nhân.

"Thật là tuyệt khi có thể ngồi đây để xem những người mới tốt nghiệp và nghe họ nói về những ý tưởng của mình", Linda Dolloff, một cựu tù nhân tham gia khóa học vào năm ngoái nói. Dolloff bị kết án giết chồng nhưng đã được đặc xá.

Cũng có mặt tại buổi lễ, Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Zia M. Faruqui động viên các học viên nên thấy tự hào về thành tích của mình. Ông cũng chính là người đã đưa "Chiến binh sau song sắt" đến nhà tù D.C.

"Khi ra khỏi đây, đừng để những cái nhãn làm bạn thất vọng. Thay vì nghĩ mình là một tù nhân bị kết án, hãy nghĩ mình là học viên của MIT", ông chia sẻ.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-pham-cuop-co-vu-trang-lay-bang-mit-nho-khoa-hoc-code-trong-tu-post1355391.html