Tội phạm giảm nhưng nước Mỹ lo lắng về sự 'an toàn giả'
Tỷ lệ tội phạm ở Mỹ giảm đáng kể trong thời gian dịch bệnh làm dấy lên mối lo ngại các nạn nhân đang mắc kẹt trong nhà, không thể ra ngoài để báo cảnh sát.
Cảnh sát trưởng David Todd của Sở cảnh sát Fargo (Mỹ) rời khỏi bàn làm việc để đi bộ quanh trung tâm thành phố. Trong sự nghiệp của mình, David Todd chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng này. Sân vận động, khu vui chơi im lìm. Trung tâm mua sắm, bãi đậu xe bỏ hoang nhiều tháng. Không một bóng người trên đường.
“Sự tĩnh mịch và trống trải là điều mà chúng ta chưa từng trải qua. Tôi nghĩ chúng ta nên ghi lại những khoảnh khắc này và thực hiện một bộ phim về nó”, viên cảnh sát 32 tuổi nói.
Sự vắng mặt của yếu tố con người trong đại dịch Covid-19 đã tạo ra một “tác dụng phụ” tích cực tại khắp các thành phố ở Mỹ: tỷ lệ tội phạm giảm mạnh, theo The New York Times.
“Động cơ và hành vi của những tội phạm đường phố giảm mạnh khi hầu hết người dân đều trú ẩn tại nhà”, Philip M. Stinson, giáo sư tư pháp hình sự tại Đại học bang Bowling Green cho hay.
Liệu tội ác có biến mất?
Với sự vắng mặt của hàng chục triệu người dân Mỹ, nạn nhân “tiềm năng” và thời cơ phạm tội đều đồng loạt “trú ẩn”, số lượng tội phạm cũng nhờ vậy giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc bắt giữ tội phạm cũng gặp một số trở ngại do kiểm dịch, hạn chế tương tác xã hội hoặc tránh lấp đầy nhà tù.
Thomas Lemmer, nhân viên tại Sở Cảnh sát Chicago, cho biết những vụ bắt giữ ở thành phố này đã khiến nhà tù Cook County trở thành một trong những ổ bùng phát virus corona tiếng tăm nhất nước Mỹ. Cũng từ đó, tỷ lệ tội phạm bị bắt giữ vào đây giảm 73% trong tháng đầu tiên thực hiện cách ly xã hội.
Ở Las Vegas, cảnh sát cho biết số lượng tội phạm giảm hơn 22% trong 2 tháng đầu cách ly ở quận Strip, nơi ra vào của đầy rẫy tên tội phạm trong các hộp đêm, quán bar, vì vắng bóng khách du lịch trong nhiều tuần. Tính đến ngày 17/5, các hành vi phạm tội ở thành phố New York được báo cáo đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tội ác vẫn không hoàn toàn biến mất, và một số kẻ bất nhân vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Những vụ giết người ở nhiều thành phố vẫn không thuyên giảm, thậm chí là tăng lên. Các vụ trộm tài sản và đánh cắp ô tô ở các cửa hàng không có người trông coi gia tăng gấp nhiều lần. Một số người cũng dễ dàng trao đổi, buôn bán bất hợp pháp ma túy hoặc các chất gây nghiện đến các tên nghiện khác cũng đang trú ẩn tại nhà.
Mặc dù vậy, với ít nhân chứng xung quanh, chúng có thể dễ dàng thoát tội và ít khả năng bị bắt.
Con số giảm mạnh nhưng đáng lo ngại
Lịch sử chỉ ra rằng thời kỳ khó khăn thường làm giảm tội phạm. Hồ sơ được phân tích bởi Leigh Bienen, giáo sư luật tại Đại học Northwestern, Chicago cho thấy các vụ giết người ở Chicago sụt giảm đáng kể vào năm 1918, khi nước Mỹ đối mặt với bệnh cúm Tây Ban Nha tàn khốc. Sau 293 vụ giết người trong thành phố vào năm 1917, con số đã giảm xuống còn 260 vào năm 1918 trước khi tăng lên 345 vào năm sau.
Tương tự, theo Richard Rosenfeld, nhà tội phạm học tại Đại học Missouri, tỷ lệ tội phạm giảm mạnh trong cuộc đại khủng hoảng năm 1929 cũng như trong cuộc suy thoái kinh tế năm 2008.
Tiến sĩ Rosenfeld cho biết điều này hoàn toàn trái ngược với nhận thức phổ biến của đa số người dân rằng mức độ nghèo khó và số lượng tội phạm sẽ tỷ lệ thuận với nhau khi khủng hoảng xuất hiện.
Tuy nhiên, theo Christopher Herrmann, giáo sư luật tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, không có mô hình rõ ràng hay kết luận chung nào cho tất cả thành phố. Một ví dụ điển hình là các vụ giết người trong năm nay đã tăng 14% ở Philadelphia và 85% ở Nashville nhưng giảm 2% ở Baltimore và 11% ở Atlanta.
Cảnh sát ở McMinnville, thuộc tiểu bang Oregon, cho biết họ đã bắt giữ 26 kẻ tình nghi trong 35 vụ đột nhập trong thời gian vừa qua, so với 14 vụ trộm vào tháng 4 năm 2019.
Bên cạnh tội phạm, nhiều sở cảnh sát báo cáo rằng họ đang đối phó với số lượng người nghiện ma túy và số cuộc gọi tự tử cao hơn.
Không những thế, sự sụt giảm các cuộc gọi lạm dụng trẻ em và bạo hành gia đình giảm đáng kể cho thấy một sự thật đáng lo ngại. Cảnh sát nghi ngờ rằng nhiều nạn nhân đang “mắc kẹt” trong nhà, trẻ em không thể đến trường để được phát hiện những vết bầm tím trên thân thể.
Khi đất nước dần mở cửa trở lại, các chuyên gia tự hỏi liệu tội phạm sẽ tăng trở lại mức trước đó khi các nạn nhân “tiềm năng” và thời cơ hành động xuất hiện hay không.
Chris Bailey, trợ lý giám đốc tại Sở cảnh sát thành phố Indianapolis, nói: “Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy đến trong tương lai. Điều đó khiến tôi lo lắng, dù đứng từ góc nhìn của một viên cảnh sát hay của một người dân Mỹ”.