Tôm Việt thắng trên đất Mỹ

Nếu không bị áp thuế bán phá giá, tôm VN sẽ bán chạy hơn ở Mỹ và cạnh tranh tốt hơn so với một số nước.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu VN (VASEP), cho rằng tôm đông lạnh VN sẽ gặp nhiều thuận lợi ở thị trường Mỹ sau phán quyết có lợi của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa diễn ra tại Genève (Thụy Sĩ).

Không phá giá

. Phán quyết của WTO sẽ tác động như thế nào tới xuất khẩu tôm VN?

+ Bước đầu ta đã chứng minh được việc phương pháp zeroing tác động rất lớn đến xuất khẩu tôm của VN. Phán quyết này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt xem xét hành chính sắp tới. Hay nói cách khác phán quyết đã chứng minh doanh nghiệp (DN) tôm VN không bán phá giá và có khả năng được rút ra khỏi vụ kiện kéo dài. Đồng thời, phán quyết cũng tạo sự yên tâm cho các nhà nhập khẩu ở Mỹ, để từ đó gia tăng mua hàng từ VN.

. Ba nội dung mà phía VN đệ đơn lên WTO liên quan đến vụ kiện chống bán phá giá tôm là gì?

+ Nội dung chủ yếu nhất là phương pháp zeroing. Về cơ bản, Ban Hội thẩm WTO cho rằng Mỹ áp dụng phương pháp này trong các đợt xem xét hành chính lần trước là không phù hợp với thông lệ của WTO và yêu cầu Mỹ bỏ ra. Còn hai nội dung kia là việc chọn lựa bị đơn bắt buộc và sử dụng yếu tố bất lợi có sẵn bắt buộc để tính thuế suất toàn quốc. Hai nội dung này phía VN không quan tâm lắm mà chỉ chú trọng đến phương pháp zeroing.

Cạnh tranh sẽ tốt hơn

. Với phán quyết của WTO, khả năng thành công của VN trong việc khiếu kiện ra sao?

+ Cần nói lại cho rõ đây không phải là VN đi kiện mà chỉ là khiếu nại lên WTO trên cơ sở yêu cầu Mỹ sửa lại việc áp dụng phương pháp cho đúng thông lệ, quy tắc, thỏa thuận trong WTO. Có nghĩa sau vụ này, nếu VN thành công thì Mỹ buộc phải chấp nhận theo yêu cầu của VN.

Tôm luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản VN. Ảnh: Q.TRUNG

Tôm luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản VN. Ảnh: Q.TRUNG

. Tại sao không có chuyện thắng thua, bởi nếu phán quyết có lợi cho VN thì mặt hàng tôm xuất khẩu sang Mỹ sẽ được giảm thuế chứ?

+ Tức là nếu phán quyết của WTO có lợi cho ta thì phía Mỹ sẽ không áp dụng phương pháp tính zeroing đối với tôm xuất khẩu của VN trong những lần xem xét hành chính sau. Điều này có nghĩa là xuất khẩu tôm VN sẽ có lợi về sau này.

. VASEP có thống kê hay đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại của ngành tôm trước việc áp thuế chống bán phá giá của Mỹ không?

+ Nếu không có thuế chống bán phá giá, tôm VN xuất khẩu nhiều hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Hay nói cách khác, nếu không có sự cố áp thuế, tôm VN sẽ bán chạy hơn ở Mỹ so với một số nước khác. Cho nên trong vụ việc này, dùng từ thiệt hại là không chính xác lắm. Giả sử trong trường hợp thuế xuất khẩu tôm bằng 0% nhưng phía Mỹ không mua thì có thể nói VN có lợi được hay không. Ngược lại, ở thị trường Mỹ, dù bị đánh thuế cao nhưng lượng tôm xuất khẩu vẫn gia tăng.

. Cảm ơn ông.

Vụ kiện đầu tiên

Đây là vụ kiện đầu tiên của VN ra WTO để giải quyết tranh chấp. Không nên có quan điểm thắng hay thua. Mục đích chung của các vụ việc như trên nhằm hoàn thiện môi trường thương mại quốc tế.

Sau khi Ban Hội thẩm ra phán quyết, hai bên đều có quyền kháng cáo lên cơ quan phúc thẩm của WTO trong thời hạn 60 ngày. Nếu có kháng cáo, Ban Hội thẩm sẽ xem xét và giải quyết tiếp vụ việc. Phán quyết sau đó mới là phán quyết có hiệu lực.

Ông BẠCH VĂN MỪNG, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương)

Bộ Tư pháp Mỹ phản đối

Ban đầu VASEP mướn luật sư tính làm việc nội bộ với Bộ Thương mại Mỹ nhưng không thành nên buộc lòng phải khiếu kiện. Lúc đó, với vai trò chủ tịch Ủy ban Tôm VN, tôi khẳng định việc khiếu nại chỉ có lợi chứ không có hại, bởi khi đã gia nhập WTO cần phải hành xử theo thông lệ quốc tế.

Theo thông tin mà luật sư nước ngoài gửi về, đang có trở ngại là Bộ Tư pháp Mỹ chống lại phán quyết WTO và cho rằng phương pháp zeroing phù hợp với luật pháp Mỹ. Ngoài ra phán quyết của WTO quá mới mẻ với DN. Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ làm việc với luật sư để đưa ra biện pháp thích hợp.

Ông NGUYỄN VĂN KỊCH, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang)

Phương pháp zeroing là gì?

Zeroing là một phương pháp tính toán trong quá trình tính biên độ phá giá trong đó cho phép quy về 0 tất cả các giao dịch có biên độ phá giá âm.

Ví dụ, nếu một DN bị điều tra thực hiện năm giao dịch xuất khẩu, trong đó có hai giao dịch có biên độ phá giá là 20%, một giao dịch có biên độ phá giá bằng 0 và hai giao dịch có biên độ phá giá -25%, nếu không sử dụng phương pháp zeroing, bình quân biên độ phá giá của nhà xuất khẩu này là: (20% + 20% + 0% - 20% - 25%): 5 = -2% (với biên độ phá giá âm, tức là không phá giá, nhà xuất khẩu này sẽ không bị áp thuế).

Tuy nhiên, nếu sử dụng zeroing, biên độ phá giá trung bình là: (20% + 20% + 0% + 0% + 0%): 5 = 8% (và kết quả là nhà xuất khẩu sẽ bị áp thuế 8%).

Mỹ là nước sử dụng phương pháp này và gây ra làn sóng phản đối từ nhiều nước có hàng hóa bị kiện tại Mỹ. Nhiều nước cho rằng phương pháp zeroing là công cụ bảo hộ sản xuất trong nước trái quy định WTO.

Diễn tiến vụ việc

Ngày 20-1-2004, Mỹ bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh VN. Cuối năm 2004, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định cho rằng VN bán phá giá tôm đông lạnh, áp thuế 4,13%-25,76%. Năm 2009, VASEP có đơn đề nghị khiếu nại ra WTO để giải quyết tranh chấp với phía Mỹ và được Chính phủ đồng ý.

Ngày 1-2-2010, VN có đơn gửi WTO yêu cầu tham vấn với Mỹ về cách tính biên độ phá giá theo phương pháp zeroing trong vụ việc chống bán phá giá tôm. Hai bên tiến hành tham vấn nhưng không đạt được giải pháp chung.

Ngày 7-4-2010, VN đề nghị WTO thành lập Ban Hội thẩm để xem xét. Sau đó, WTO chỉ định thành viên Ban Hội thẩm. Trải qua nhiều phiên điều trần, làm việc căng thẳng, đến ngày 11-7-2011, WTO ra phán quyết theo hướng có lợi cho tôm VN.

TRUNG HIẾU - QUỲNH NHƯ

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2011071312360770p0c1014/tom-viet-thang-tren-dat-my.htm