Tồn tại 30 năm đã lỗi thời, Thông tư mới không 'đuổi' học sinh vi phạm
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đáng chú ý, Thông tư mới không ghi kỷ luật vào học bạ, không còn khái niệm đuổi học đối với học sinh vi phạm.
Không “đuổi học” học sinh vi phạm
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư mới dự kiến thay thế Thông tư 08/TT ban hành từ năm 1988, được xem đã quá lỗi thời.
Nổi bật là không ghi kỷ luật vào học bạ, không còn khái niệm đuổi học đối với học sinh vi phạm.
Dự thảo Thông tư mới được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 31/10/2020 trước khi ban hành chính thức.
Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông (gọi tắt là Thông tư) đang soạn thảo đã bãi bỏ quy định phê bình trước lớp, trước toàn trường khi học sinh mắc lỗi (tùy theo mức độ).
Thay vào đó, dự thảo Thông tư mới yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là “kỷ luật tích cực” với từng học sinh.
Dự thảo Thông tư mới nêu rõ, mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường là “tạm dừng học tập trên lớp”, thay thế cho cụm từ “đuổi học” trong quy định hiện hành.
Nếu như thông tư hiện hành áp dụng biện pháp kỷ luật đuổi học ít nhất là 1 tuần và nhiều nhất là 1 năm với học sinh vi phạm các khuyết điểm (tùy mức độ), thì dự thảo thông tư mới nêu: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm”.
Nếu như trong quy định hiện hành giao cho “gia đình học sinh có trách nhiệm quản lý và giáo dục con cái trong thời gian học sinh bị đuổi học”, thì dự thảo quy định mới đưa ra nhiều biện pháp linh hoạt hơn.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, trong các trường hợp cụ thể, có thể sẽ phải tạm đình chỉ học tập tại lớp của học sinh. Nhưng việc này chỉ có ý nghĩa giáo dục nếu nhà trường và trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm phải rõ trách nhiệm của mình tiếp tục theo sát học sinh, chứ không phải đình chỉ là buông bỏ, giao về cho gia đình.
Việc giáo dục chỉ hiệu quả khi biến việc kỷ luật của nhà trường thành tự kỷ luật của học sinh. Nghĩa là, học sinh phải tự giác, phải tự nhận ra khuyết điểm, bản thân muốn thay đổi. Để làm được điều đó, phải có hàng loạt giải pháp để nắm được nguyên nhân phạm lỗi, hoàn cảnh gia đình học sinh, thậm chí có các can thiệp điều trị về tâm lý cho học sinh.
Dự thảo Thông tư cho rằng, việc tạm đình chỉ có thể các em không rời trường mà vẫn đến trường và nhà trường cùng thầy cô giáo "giáo dục riêng", nhưng thực tế khi đã tạm đình chỉ và tách học sinh ra khỏi lớp, theo nhiều thầy cô giáo, đó đã là một hình phạt nặng.
Năm 1989, TS Nguyễn Tùng Lâm là người sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng để tiếp nhận những học sinh bị đuổi. Hơn 30 năm, đây là ngôi trường đã giáo dục hơn 10.000 học sinh, trong đó có học sinh học lực-hạnh kiểm yếu kém, vướng tệ nạn xã hội, cá tính khác biệt... bị các trường khác từ chối…. thì nay đã trở thành những bác sĩ, kỹ sư…
Lần đầu tiên, kiểm tra, đánh giá học sinh trên máy tính
Quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành cho phép giáo viên có thể đánh giá học sinh bằng nhiều cách khác nhau, thay vì chỉ làm bài kiểm tra trên giấy; việc khen thưởng học sinh cũng thay đổi.
Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư quy định đánh giá học sinh tiểu học. Thông tư được xây dựng trong bối cảnh từ năm học 2020-2021, Việt Nam triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1 cấp tiểu học.
Theo quy định mới, giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp như: quan sát; vấn đáp; đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh; kiểm tra viết dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Giáo viên đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học/hoạt động giáo dục của học sinh, về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học trò.
Kế thừa việc khen thưởng theo các quy định hiện hành, Thông tư mới cụ thể hóa việc viết trên giấy khen nhằm khắc phục hạn chế, tiêu cực về việc khen thưởng. Theo đó, vào cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu “học sinh xuất sắc” hoặc “học sinh tiêu biểu” hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh thực sự xứng đáng, được tập thể lớp công nhận.
Việc khen thưởng đột xuất được áp dụng với học sinh có thành tích đột xuất trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Bên cạnh đó, quy định mới về giá học sinh tiểu học bổ sung hình thức “thư khen”trong hoạt động khen thưởng học sinh.
Theo quy định mới ở hai Thông tư sửa đổi do Bộ GD0ĐT vừa ban hành, việc đánh giá điểm số cấp tiểu học đến THPT đều thay đổi. Đặc biệt, lần đầu tiên cho phép kiểm tra, đánh giá học sinh trên máy tính.
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT, điểm kiểm tra/đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1; điểm kiểm tra/đánh giá giữa kì tính hệ số 2 và điểm kiểm tra/đánh giá cuối kì tính hệ số 3.
Trong mỗi học kì, số điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ của một học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm cả chủ đề tự chọn) được quy định cụ thể hơn. Cùng với đó, có thêm danh hiệu “đạt thành tích nổi bật”.
TS Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-Đ cho biết, điểm mới đáng chú ý của Thông tư 26 là tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học như trước đây.
Việc đánh giá bằng nhận xét nhằm hiện thực mục tiêu định hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học; hay nói cách khác là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh.
Đặc biệt, ở Thông tư 26, ngoài danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như hiện hành, còn có thêm danh hiệu học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện.
Điều kiện để được công nhận học sinh giỏi cũng mở rộng khi đưa môn Ngoại ngữ vào vị trí tương xứng với môn Toán, Ngữ văn nhằm đẩy mạnh việc phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh phổ thông.