Tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa

Nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn các giá trị văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc, năm 2008 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg lấy ngày 19/4 là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Từ đó đến nay, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã được triển khai sâu rộng đến tất cả bộ, ngành Trung ương và các địa phương, tạo được hiệu ứng lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân, tổ chức chính trị xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bắc Kạn có 7 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, độc đáo luôn được cộng đồng các dân tộc chung tay gìn giữ và phát huy. Đến nay, Bắc Kạn đồng sở hữu di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là hát Then. Tỉnh sở hữu 16 di sản trong danh mục Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: “Múa khèn của người Mông ở Bắc Kạn”; “Chữ viết của dân tộc Dao”; “Nghi lễ quá tăng (lễ cấp sắc) của người Dao ở Bắc Kạn”; “Lễ cấp sắc của then Tày”; “Chữ Nôm của dân tộc Tày”; “Lượn lương của dân tộc Tày”; “Lễ hội lồng tồng Ba Bể”; “Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày”; “Lễ cầu năm mới, cầu mùa của dân tộc Dao”; “Lễ mừng sinh nhật (mừng thọ) của người Nùng”; “Lễ cấp sắc cho thầy Tào của người Tày”; “Lễ cấp sắc pụt (lẩu pụt) của người Tày”; “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ”; “Lượn cọi của người Tày huyện Pác Nặm”; “Hát pá dung của người Dao” và “Lễ kỳ yên của người Tày”...

Ông Nguyễn Đình Kim ở thôn Nà Chá, xã Vi Hương (Bạch Thông) là một trong những nghệ nhân ưu tú tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn, đóng góp nhiều công sức vào việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Then - đàn tính của đồng bào dân tộc Tày. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống 5 đời hát Then, đàn tính, ông Kim đã được thừa hưởng và kế thừa di sản đó. Ông hiện nắm giữ nhiều tri thức và kỹ năng độc đáo của cả phần Then cổ và Then mới. Sáng tác, đặt lời mới cho 14 làn điệu Then nội dung ca ngợi quê hương, được công chúng đón nhận, yêu thích. Bên cạnh đó ông còn truyền dạy cho nhiều học trò, đặc biệt là học sinh về cách hát Then, sử dụng đàn tính. Thực hành văn hóa tâm linh phục vụ bà con. Tham gia và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi, giao lưu văn hóa các dân tộc trong và ngoài tỉnh.

Lễ cầu năm mới, cầu mùa vào mỗi dịp đầu xuân đã trở thành nghi lễ chính thức, là việc làm rất cần thiết trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào Dao nói chung và ở xã Đổng Xá, huyện Na Rì nói riêng. Lễ hội thể hiện mong muốn của đồng bào về một mùa màng bội thu, không thiên tai, dịch bệnh, thể hiện khao khát hướng tới một cuộc sống ấm no, mạnh khỏe, hạnh phúc. Trải qua rất nhiều thế hệ, lễ cầu năm mới, cầu mùa vẫn đang tiếp tục duy trì thực hành, là hoạt động văn hóa tín ngưỡng thể hiện rõ bản sắc và mang tính đại diện của cộng đồng người Dao đang sinh sống tại đây.

Lễ hội cầu năm mới, cầu mùa của đồng bào dân tộc Dao xã Đổng Xá, huyện Na Rì được chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội cầu năm mới, cầu mùa của đồng bào dân tộc Dao xã Đổng Xá, huyện Na Rì được chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 222/QĐ-UBND tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030, ngành Văn hóa và các địa phương đã tích cực thực hiện những nhiệm vụ mà nghị quyết đề ra, trong đó có nhiệm vụ duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng và triển khai các dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; tổ chức các hội diễn, liên hoan, ngày hội cấp tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức hằng năm ở tỉnh đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm về việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa; góp phần củng cố, thắt chặt, tăng cường sức mạnh khối đoàn kết toàn dân tộc. Làm cho các dân tộc hiểu về nhau nhiều hơn, tương trợ nhau cùng phát triển...

Ngày Văn hóa các dân tộc năm nay được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Bắc Kạn vào ngày 18/4. Chương trình dự kiến diễn ra tại sảnh Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch./.

Phương Thảo

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/van-hoa/202204/ngay-van-hoa-cac-dan-toc-viet-nam-194-ton-vinh-va-giu-gin-ban-sac-van-hoa-1630ce8/