Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo có tầm nhìn vượt trội

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã qua đời cách đây tròn 25 năm (27/4/1998-27/4/2023). Ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh đạo có tầm nhìn, một tấm gương kiên trung.

Ông Nguyễn Văn Linh, người lãnh đạo đổi mới

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng thì hơn một nửa thời gian đó Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gắn bó máu thịt với cách mạng miền Nam, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định–TP.HCM trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta kéo dài 30 năm.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (ảnh Tư liệu)

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (ảnh Tư liệu)

Ngay khi đất nước được thống nhất, ông Nguyễn Văn Linh với cương vị là Bí thư Thành ủy TP.HCM luôn bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn những thí điểm về đổi mới cách làm có hiệu quả, rút ra những bài học kinh nghiệm để lãnh đạo TP tiến lên, vượt qua gian nan, thử thách.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ông Nguyễn Văn Linh là người cộng sản kiên cường, sáng tạo, kiên quyết trong hành động.

Ông Hà Minh Hồng khẳng định, nhờ có ông Nguyễn Văn Linh với hai lần làm Bí thư Thành ủy TP.HCM giai đoạn sau 1975, với thực tế miền Nam, thực tế của một nửa đất nước "nếu không phải Nguyễn Văn Linh, không có Nguyễn Văn Linh thì chúng ta không hình dung ra công cuộc đổi mới sẽ bắt đầu như thế nào?"

Trong đó, Hội nghị Đà Lạt diễn ra vào tháng 7/1983 đã thể hiện vai trò của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh. Cụ thể, khi được biết các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đang ở Đà Lạt, từ ngày 12 đến 19/7/1983, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh cùng nhiều giám đốc xí nghiệp xin gặp để tháo gỡ cơ chế cho thành phố phát triển. Chính thực tiễn ở TP.HCM và nhiều địa phương khác đã dần hình thành để tiến tới xác định phải đổi mới. Từ Hội nghị Đà Lạt đã có một tư duy hành động thực tế từ cơ sở, đổi mới từ cơ sở và từ đó “phá rào”.

Sau đó, tại Đại hội Đảng lần thứ VI vào tháng 12/1986, ông Nguyễn Văn Linh đã được bầu làm Tổng Bí thư. Ông kiên định triển khai đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, tiến hành đổi mới hệ thống chính trị một cách vững chắc.

PGS - TS Hà Minh Hồng (ảnh V.Đ)

PGS - TS Hà Minh Hồng (ảnh V.Đ)

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Hà Minh Hồng đánh giá, bây giờ nhìn lại có thể thấy việc đổi mới là bình thường nhưng khi so sánh với những cải tổ, cải cách của các nước đương thời, chúng ta không học theo ai, không đi sau ai cả…Và vì thế tư duy, tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh càng được thể hiện rõ: "Bây giờ chúng ta thấy rất bình thường, nhỏ bé. Nhưng đó là chính là bước đi của đổi mới ngay từ đầu như thế nào. Từ thực tế của TP và các địa phương khác trong cả nước nhưng thực tế từ cơ sở, đường đi nước bước từ cơ sở, từ những cái thiết thực của người dân…Nếu không có đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chúng ta không hình dung ra công cuộc đổi mới"

"Ông già căn cơ"

Nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM cho biết, ông là một lãnh đạo giản dị, dễ gần. Ông Mười Cúc còn được gọi vui là "ông già căn cơ" bởi tác phong làm việc rất kỹ lưỡng, có lý, có tình, có nghĩa:

"Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh làm gì đều phải có lí, có lẽ, có tình, có nghĩa, tính toán đầy đủ, không ảo tưởng, lạc quan tếu,.... Trong đó phải bám sát cơ sở, quần chúng. Đây là giá trị cốt lõi, nền tảng tạo nên những thành công dưới sự lãnh đạo của bác Nguyễn Văn Linh"- Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan Xuân Biên nói.

PGS - TS Phan Xuân Biên (ảnh H.K)

PGS - TS Phan Xuân Biên (ảnh H.K)

Năm 1970, sau khi tốt nghiệp đại học, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan Xuân Biên vào Nam và được phân công về Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, biệt phái về Sài Gòn – Gia Định và làm thư ký Tư lệnh Phân khu 6 (phân khu nội đô). Do đó, ông thường xuyên tháp tùng Tư lệnh dự nhiều cuộc họp quan trọng.

Ông Phan Xuân Biên kể, lần đầu tiên gặp ông Nguyễn Văn Linh là vào cuối năm 1971, đầu năm 1972 tại Hội nghị Bình Giã V. Khi đó ông Nguyễn Văn Linh là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã phát biểu hai ngày liền về nhiều vấn đề, trong đó ông Phan Xuân Biên đặc biệt ấn tượng với quan điểm là “phải bám sát cơ sở, phải tin ở giai cấp công nhân, tìm kiếm ở cơ sở”.

Quan điểm ngày càng thể hiện rõ ràng khi ông Mười Cúc làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Với vai trò là người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM, ông Nguyễn Văn Linh chỉ đạo đặc biệt quan tâm đến cơ sở, có nghĩa là tin tưởng sức mạnh quần chúng, người dân của mình.

Theo ông Phan Xuân Biên, khi ở cương vị là Tổng Bí thư, ông Nguyễn Văn Linh càng thể hiện rõ quan điểm bám sát cơ sở, dựa vào dân. Ông Nguyễn Văn Linh đã biết cách tận dụng báo chí với việc sử dụng bút danh N.V.L (sau được ông Mười Cúc lý giải là “Nói và Làm”) với loạt bài viết trong mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân để truyền tải nhiều thông điệp.

Ông Nguyễn Văn Linh đã biết dựa vào báo chí, phương tiện thông tin đại chúng để khuếch trương chủ trương, chính sách của Đảng đến với đông đảo quần chúng.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng VI (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng VI (Ảnh: TTXVN)

Theo Phó Giáo sư Phan Xuân Biên, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã truyền đi một quan điểm “sự nghiệp cách mạng, tất cả mọi việc từ đấu tranh giành độc lập dân tộc hay xây dựng đất nước, đặc biệt là công cuộc phòng chống tham nhũng thì phải có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Nếu không có sự tham gia của nhân dân, không từ nhân dân thì công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng không thể thành công”

"Theo tôi nghĩ, rõ ràng việc bác Nguyễn Văn Linh làm thế tưởng chừng chỉ là những bài báo thôi nhưng thật chất ở đây là phương tiện để từ niềm tin, đánh giá sự nghiệp cách mạng, tin ở quần chúng thì mới làm thế này để phát huy sức mạnh quần chúng."- Phó Giáo sư Phan Xuân Biên nói.

Có thể khẳng định, trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại những di sản đồ sộ, những bài học kinh nghiệm quý báu, nhất là bài học tin dân, dựa vào dân cũng như phát huy vai trò người đứng đầu, người cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…/.

Hà Khánh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-van-linh-nha-lanh-dao-co-tam-nhin-vuot-troi-post1016694.vov