Tổng Bí thư Tô Lâm: Không tinh gọn bộ máy không phát triển được
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, hiện ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động, như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
Huế rất xứng đáng là thành phố trực thuộc Trung ương
Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương được chuẩn bị từ rất lâu, quan trọng nhất là phải đủ về tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Tổng Bí thư nêu rõ, thành phố trực thuộc Trung ương phải là cực tăng trưởng của khu vực. Cả nước hiện có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, tới đây nếu có thêm thành phố Huế sẽ lên 6 thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải có triển vọng phát triển, có nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc biệt, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.
"Nếu lên thành phố trực thuộc Trung ương, đầu tiên phát triển như thế nào?" - Tổng Bí thư đặt vấn đề và cho rằng, phát triển phải bền vững, hài hòa. Nếu thành phố cứ phát triển vùn vụt, còn nông thôn lại càng khó khăn là không được, rồi dẫn đến người dân cứ ùn ùn đổ về thành phố.
Tổng Bí thư cho biết, Trung ương đã bàn thảo về vấn đề thành lập TP Huế thuộc trung ương và nhận thấy đủ tiêu chí, tất nhiên vẫn còn những điểm hạn chế thì Quốc hội đưa ra cùng thảo luận, tháo gỡ. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Huế rất xứng đáng nhưng cũng phải chia sẻ những khó khăn sẽ phải đối mặt và tất cả những khó khăn đó phải vượt qua".
Với những địa phương muốn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Tổng Bí thư lưu ý phải căn cứ vào tiêu chí từ quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa... tất cả đều có quy định.
"Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước. Tôi thấy Huế xứng đáng. Tuy nhiên lên thành phố thì cần một giai đoạn, bước quá độ...Chúng ta hy vọng thời gian đó không quá dài", Tổng Bí thư nêu.
Bộ máy Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn
Về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu băn khoăn của đại biểu liên quan đến cơ chế chính quyền đô thị thế nào, cơ chế bộ máy quản lý Nhà nước làm sao cho hiệu lực, hiệu quả? Tổng Bí thư cho rằng, đây là vấn đề rất lớn và đang tập trung bàn để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bộ máy, không hình thức mà phải đúng thực chất.
Tổng Bí thư chia sẻ, từ Đại hội XII, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Nhưng, theo Tổng Bí thư hiện nay mới làm từ dưới lên, như xã, huyện sáp nhập, còn tỉnh chưa làm tới, và mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ ngành…
"Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Nhưng cách thức phải như thế nào và đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn", nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư chỉ rõ, việc ở đâu cũng phải làm, và tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu.
"Không tinh gọn bộ máy không phát triển được", Tổng Bí thư lưu ý.
Tổng Bí thư dẫn chứng, hiện ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu?... Còn 30% thì tiền đâu để quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội?
Theo Tổng Bí thư, trong khi đó các nước khác mức chi có hơn 40%, ít nhất phải được trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...
“Chúng ta so sánh thôi cũng vô cùng sốt ruột. Cứ phình ra như thế, cứ như thế… Vì sao không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80 - 90% chi ngân sách. Làm gì còn tiền ngân sách đâu để làm các hoạt động khác”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, nhiều bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, rồi địa phương hỏi mãi không trả lời, mất thời gian. "Một ông chuyên viên có ý kiến khác thôi là toàn bộ hệ thống lại phải dừng lại để đánh giá lại, họp lại" - Tổng Bí thư nêu vấn đề.
Tại phiên thảo luận ở tổ, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh phải tăng năng suất lao động, huy động mọi người vào sản xuất, kinh doanh, người làm phải nhiều hơn người hưởng.
"Kỷ nguyên mới là thế nào? Kỷ nguyên mới là chúng ta phải bứt tốc, với mục tiêu đến 2045 chúng ta là một nước phát triển, thu nhập cao. Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người phải gấp ba lần bây giờ thì mới đạt được mục tiêu", Tổng Bí thư nêu rõ.