Tổng cục Thuế: Cả nước có hơn 25.000 tỷ đồng nợ thuế không thể thu hồi

Theo Tổng cục Thuế, tính tới hết tháng 6/2021, vẫn còn hơn 105 nghìn tỷ đồng tiền thuế nợ đọng, trong đó có hơn 25 nghìn tỷ đồng không còn khả năng thu hồi nợ.

Cả nước có hơn 25.000 tỷ đồng nợ thuế không thể thu hồi

Ngày 9/7, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: Tính đến hết tháng 6/2021, toàn ngành thuế đã thu hồi 16.302 tỷ đồng tiền nợ thuế, bằng 54,2% chỉ tiêu thu nợ được giao.

Theo Tổng Cục Thuế, tính tới hết tháng 6/2021, vẫn còn hơn 105 nghìn tỷ đồng tiền thuế nợ đọng, trong đó có hơn 25 nghìn tỷ đồng không còn khả năng thu hồi nợ.

Việc thu hồi nợ được thực hiện bằng 2 giải pháp. Thứ nhất, thu nợ thuế bằng biện pháp quản lý nợ là 11.012 tỷ đồng. Thứ hai, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 5.290 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý tính đến ngày 30/6/2021 còn 115.983 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý, đang trình cấp có thẩm quyền xóa nợ, thì tổng số tiền thuế nợ là 105.315 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ.

Trong số 105.315 tỷ đồng tiền thuế còn nợ, thì 80.037 tỷ đồng là tiền thuế nợ có khả năng thu hồi, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, 25.278 tỷ

đồng còn lại là các khoản nợ không còn khả năng thu hồi, do người nợ thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản,...

Bêu tên các trường hợp chây ỳ nợ thuế

Để thực hiện hiệu quả công tác thu hồi, xử lý nợ thuế năm 2021, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng Cục Thuế, giao tổng số tiền thuế nợ không vượt quá 5% so với tổng số thực thu ngân sách năm 2021.

Đồng thời, Tổng cục Thuế thu tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2020; phấn đấu đến 31/12/2021 hoàn thành việc xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội;...

Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo Cục Thuế rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng trường hợp nợ thuế, lập danh sách các DN, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nợ, nguyên nhân nợ, đặc biệt tập trung phân loại những trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và người không bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nợ thuế để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Tổng cục Thuế áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp đối với từng nhóm nợ, khoản nợ, từng đối tượng nợ thuế, đảm bảo công bằng trong việc chấp hành pháp luật thuế…

Bên cạnh đó, ngành Thuế thực hiện kiên quyết các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế hoặc phải chuyển sang biện pháp tiếp theo để thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, công khai thông tin trường hợp chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật; xử lý kiên quyết các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ, nợ thuế không thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Hàng tháng, Cục Thuế lập danh sách và công khai thông tin trường hợp nợ thuế trên địa bàn quản lý. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành thuế cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện công khai đối với 62.666 trường hợp chây ỳ, nợ thuế không nộp tiền thuế đúng hạn với tổng số tiền thuế nợ là 67.620 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý nợ đọng thuế, trực tiếp chỉ đạo xử lý nợ đọng đối với các DN nợ lớn. Hàng tháng đánh giá tình hình thực hiện đôn đốc và thông báo bổ sung những trường hợp nợ mới phát sinh, nợ thuế tăng cao để Cục Thuế tổ chức đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cơ quan thuế các cấp và trường hợp trong việc xử lý nợ đọng thuế.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-cuc-thue-ca-nuoc-co-hon-25000-ty-dong-no-thue-khong-the-thu-hoi-post143664.html