Tổng cục thuế phản hồi về đề xuất 'sàn thương mại điện tử kê khai và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh'

Sáng 9/10, tại phiên thảo luận Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật về một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ, lãnh đạo Tổng cục thuế cho rằng đề xuất sàn thương mại điện tử nộp thuế thay cho hộ kinh doanh là vấn đề mới, 'mới thì phải bàn nhưng lợi ích nào lớn thì phải cân nhắc'…

Ông Mai Xuân Thành, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính. Ảnh: MOJ.

Ông Mai Xuân Thành, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính. Ảnh: MOJ.

Tại phiên thảo luận, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng hiện nay thương mại điện tử đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Tuy vậy, môi trường kinh doanh có thể gặp nhiều khó khăn nếu đề xuất cho phép các sàn thương mại điện tử phải kê khai thuế thay cho các hộ kinh doanh.

“Đây là nhiệm vụ bất khả thi vì các sàn thương mại điện tử không thể có đủ thông tin, nguồn lực nộp thay cho hàng trăm nghìn hộ cá nhân đang kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Nếu quy định này được thông qua có thể làm suy yếu các doanh nghiệp thương mại điện tử. Do vậy, chúng tôi kiến nghị cần xem xét một cách cẩn trọng đề xuất này”.

Phản hồi về vấn đề trên, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính cho rằng nếu chuyển giao nghĩa vụ kê khai của các hộ kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Theo ông Thành, hiện nay, có hơn 165.000 hộ cá nhân đang kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, còn các sàn thương mại điện tử con số có hơn 400. Về chi phí xã hội, phương nào khả thi hơn? Số liệu qua các sàn thương mại điện tử đều nắm được hết. Mặt khác, một số tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị nên giao cho các sàn thương mại điện tử kê khai thay cho các hộ cá nhân.

“Đây là vấn đề mới, mới thì phải bàn nhưng lợi ích nào lớn thì phải cân nhắc”, ông Thành nhấn mạnh.

Bộ Tài chính đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 42 về nguyên tắc khai thuế, tính thuế theo hướng: "Bổ sung quy định về các trường hợp khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và việc trực tiếp khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để cải cách thủ tục hành chính, tập trung đầu mối kê khai, đáp ứng việc kê khai, nộp thuế phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đồng thời mở rộng nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 do Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, cho biết Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy hoàn thiện thể chế pháp luật.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 04 Luật quan trọng về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Đồng thời, để các quy định pháp luật mới này sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội quyết định đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của 04 đạo luật liên quan đến đất đai, bất động sản từ ngày 01/8/2024 và chỉ đạo các bộ, ngành tập trung xây dựng, trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ này với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, gỡ vướng, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ lợi ích, hướng tới sự phát triển bền vững.

Bộ trưởng nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 09 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Chính phủ đã ban hành 122 Nghị định, 215 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 Quyết định, 35 Chỉ thị, tổ chức 03 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý.

Những việc làm cụ thể đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. GDP Quý III tăng 7,4%, 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Tình hình phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực với 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (163.000).

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tong-cuc-thue-phan-hoi-ve-de-xuat-san-thuong-mai-dien-tu-ke-khai-va-nop-thue-thay-cho-ho-kinh-doanh.htm