Tổng hợp tin tức sáng 3/11 tại ĐBSCL

An Giang nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội với kết quả cao nhất; Chủ tịch Bạc Liêu thẳng tay với cán bộ vi phạm nồng độ cồn; Sạt lở bờ sông Tiền, người dân trông ngóng xây kè để giữ đất; Phấn đấu cuối năm 2025, thông xe kỹ thuật đường Vành đai 3 đoạn qua Long An; Nông dân ven biển Sóc Trăng tranh thủ xuống giống để né mặn… là những tin tức nổi bật sáng 3/11 tại ĐBSCL.

Bắt thêm 7 đối tượng trong nhóm tuổi teen hỗn chiến, chém chết người ở Bến Tre

Theo đó, 7 đối tượng gồm: Lê Thanh Gia Bảo (tên thường gọi Bảo “đen”, SN 2008), Cao Đăng Khoa (SN 2005), Huỳnh Thế Quyền (SN 2008, cùng ngụ TP Bến Tre); Hồ Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 2007, ngụ huyện Giồng Trôm); Võ Nguyễn Thanh Khương (SN 2007), Nguyễn Minh Phước (SN 2003) và Nguyễn Minh Đức (SN 2004, cùng ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Giết người”.

Ngày 28/3, Đặng Nguyễn Thế Thành (SN 2000) với một số đối tượng khác xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau với Trần Hoàng Kiệt (SN 2008, cùng ngụ TP Bến Tre). Kiệt điện thoại cho Trần Võ Thành Tài kể lại sự việc bị nhóm của Thành đánh. Tài, Thanh, Bảo “đen” cùng với Kiệt, Quyền, Tuấn đến phường 6, TP Bến Tre tìm nhóm của Thành để giải quyết mâu thuẫn nhưng không gặp, sau đó cả nhóm ra về.

Tiếp đó, nhóm của Thanh hẹn Thành tại một quán nhậu ở khu phố 3, phường Phú Tân, TP Bến Tre. Thành điều khiển xe mô tô chở Mai Nhật Danh (SN 2000, ngụ TP Bến Tre) đến quán gặp nhóm của Thanh và 2 bên xảy ra mâu thuẫn. Biết Danh có mang theo hung khí, Thanh và Bảo “mập” dùng súng bắn Danh. Đức, Khương, Tài, Tuấn, Quyền, Phước, Bảo “đen”, Khoa (trong nhóm của Thanh) dùng ly, ghế, dao tự chế, đèn pin chích điện rượt đuổi tấn công Danh.

Danh dùng dao tự chế chém Tài, Tài né được, sau đó dùng dao đâm 1 nhát vào cổ Danh. Danh bỏ chạy, nhóm của Thanh tiếp tục rượt đuổi, được một đoạn Danh bị ngã, bị Tài dùng dao chém vào chân. Danh bất tỉnh sau đó tử vong. Tài và các đối tượng khác rời khỏi hiện trường.

Chủ tịch Bạc Liêu thẳng tay với cán bộ vi phạm nồng độ cồn

Ông Phạm Văn Thiều chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương quán triệt và tổ chức cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang ký cam kết không vi phạm nồng độ cồn.

Chủ tịch Bạc Liêu chỉ đạo 100% cán bộ ký cam kết không vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Nhật Hồ

Chủ tịch Bạc Liêu chỉ đạo 100% cán bộ ký cam kết không vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Nhật Hồ

Chủ tịch Bạc Liêu đề nghị gửi danh sách đơn vị có tên, chức vụ cán bộ ký cam kết về UBND tỉnh thông qua công an tỉnh để theo dõi. Lãnh đạo đơn vị cam kết chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh nếu thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở để cán bộ cấp dưới vi phạm hoặc xử lý không đúng quy định đối với cán bộ vi phạm.

Liên quan đến chấp hành quy định về nồng độ cồn, tháng 9/2022, ông Phạm Văn Thiều có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm của lực lượng chức năng về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ lái xe trong đơn vị vi phạm.

Ông Phạm Văn Thiều chỉ đạo quyết liệt như vậy, bởi vì trên thực tế, có tình trạng người vi phạm lợi dụng các mối quan hệ, gọi điện "xin" cảnh sát giao thông cho qua. Không chỉ ở Bạc Liêu, mà đây là chuyện phổ biến ở nhiều địa phương.

Sạt lở bờ sông Tiền, người dân trông ngóng xây kè để giữ đất

Nhiều người dân sinh sống ven đê sông Tiền thuộc ấp Khu Phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) lo lắng không yên khi tình hình sạt lở ven sông Tiền nơi đây diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn, nguy cơ nhà cửa của người dân sẽ bị cuốn trôi ra sông bất cứ lúc nào.

Theo người dân tổ 9, ấp Khu phố, khoảng hơn một năm nay tình hình sạt lở ven đê sông Tiền tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm, đe dọa đến cuộc sống và nhà ở của người dân ven đê.

Theo ghi nhận, tại khu vực sạt lở có chiều dài hàng trăm mét, nhiều vị trí sạt lở đã ăn sâu vào chân đê. Đất ven sông nhiều vị trí bị nứt toác, nhiều nơi tạo hàm ếch rất nguy hiểm.

Theo chính quyền địa phương xã Hòa Hưng, hiện khu vực sạt lở ở Tổ 9, ấp Khu Phố có khoảng 13 hộ đã di dời, hiện còn 6 hộ nằm trong vùng sạt lở nghiêm trọng chưa thể di dời. Nguy cơ sạt lở rình rập bất cứ lúc nào.

Để xử lý các khu vực sạt lở này, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang vừa có báo cáo đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư dự án xử lý sạt lở qua các khu vực trên với chiều dài 1,1km.

Theo báo cáo đề xuất của Sở NN&PTNT, tổng nguồn vốn thực hiện dự án nêu trên khoảng 236 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. Thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ năm 2024-2025.

Phấn đấu cuối năm 2025, thông xe kỹ thuật đường Vành đai 3 đoạn qua Long An

Đến nay, dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Long An đang triển khai thi công, đến tháng 10 đã đạt hơn 51% giá trị xây dựng, cơ bản hoàn thành so với kế hoạch, đạt mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 15/8/2022.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Long An đã hoàn thành con đường công vụ, phần đường cao tốc đã hoàn thành công tác đắp cát gia tải, đang bơm hút chân không xử lý nền đất yếu và dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cũng đã đề ra các mốc thời gian cụ thể hoàn thành các phần của dự án để thực hiện.

Về phần đường cao tốc, đến ngày 24/01/2025 xử lý xong nền đất yếu và hoàn thiện công tác đắp nền đường; ngày 31/10/2025, hoàn thành công tác thi công móng cấp phối đá dăm mặt đường và thảm nhựa mặt đường; phần cầu vượt sông và cầu cạn trên đường cao tốc, đến ngày 28/02/2025 hoàn thành mố, trụ cầu và lao lắp 70% dầm cầu; ngày 30/8/2025 hoàn thành công tác lao lắp dầm và bêtông mặt cầu; ngày 31/10/2025, hoàn thành công tác thảm nhựa mặt cầu và hệ lan can; ngày 31/12/2025 hoàn thiện, thông xe kỹ thuật.

Nông dân ven biển Sóc Trăng tranh thủ xuống giống để né mặn

Huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) là địa phương ven biển, nằm trong vùng thủy lợi khép kín, thường xuyên bị ảnh hưởng nếu mặn xâm nhập và thiếu nước ngọt cục bộ vào mùa khô. Để đảm bảo thành công vụ lúa chính trong năm (Đông Xuân) hơn 2 tuần này nông dân nơi đây tất bật gieo sạ với hi vọng được mùa trúng giá.

Theo ghi nhận các giống được bà con chọn là giống lúa đặc sản, chất lượng cao như nhóm lúa ST, OM5451, OM18, OM34, Đài Thơm 8...

Chủ động xây dựng lịch thời vụ phù hợp giúp nông dân tỉnh Sóc Trăng né mặn vào cuối vụ lúa Đông Xuân. Ảnh: Phương Anh

Chủ động xây dựng lịch thời vụ phù hợp giúp nông dân tỉnh Sóc Trăng né mặn vào cuối vụ lúa Đông Xuân. Ảnh: Phương Anh

Vừa thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu, ông Lâm Diệp ở xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã tranh thủ cải tạo 4ha đất để xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2024 theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Trong khi đó tại các cánh đồng thuộc xã Long Đức, (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) lúa đã hơn 1 tháng. Nông dân nơi đây đang tích cực ra đồng theo dõi diễn biến của thời tiết, sâu, bệnh hại nhằm có giải pháp phòng, ngừa kịp thời.

Năm 2016, tại tỉnh Sóc Trăng có hàng nghìn ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn lịch sử, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng lịch thời vụ phù hợp, né hạn mặn rất hiệu quả.

Đối với các huyện ven biển, có nguy cơ cao bị xâm nhập mặn sớm thu hoạch trước Tết và những huyện vùng trong, hạn mặn về muộn hơn thì có thể sau Tết Nguyên đán 10 - 15 ngày là bà con tổ chức thu hoạch.

Bắt được phạm nhân đang tìm cách trốn khỏi trại giam của Bộ Công an ở Long An

Sáng ngày 3/11, thông tin từ Trại giam Thạnh Hòa (Cục C10, Bộ Công an, đóng tại huyện Thạnh Hóa, Long An) cho biết, đã bắt được phạm nhân Nguyễn Văn Tín, khi đang tìm cách trốn khỏi nơi giam giữ.

Trước đó, ngày 2/11, Đại tá Vũ Văn Chung, Giám thị Trại giam Thạnh Hòa đã ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Văn Tín (sinh năm 1992, ngụ xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).

Tuy nhiên, tối cùng ngày Trại giam Thạnh Hòa đã ngay lập tức tập trung lực lượng truy bắt Tín.

Thông tin Trại Giam cho biết, khi Tín đang lẩn trốn trong đường ống cống của trại giam, chưa thoát được ra ngoài thì bị phát hiện.

Tín là phạm nhân đã đang chấp hành án phạt tù về tội trộm cắp tài sản với mức án 11 năm 3 tháng.

An Giang nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội với kết quả cao nhất

Với sự nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, 10 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 trên nhiều lĩnh vực, góp phần hướng đến việc hoàn thành, đạt và vượt các mục tiêu KTXH của năm 2024.

Theo UBND tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 10 tháng của năm 2024 ước tăng 10,02% so với với cùng kỳ. Ước doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lũy kế 10 tháng ước đạt 191.975 tỷ đồng, tăng 16,37% so với cùng kỳ. CPI bình quân 10 tháng của năm 2024 tăng 4,66% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách ước trong 10 tháng năm 2024 đạt 6.870 tỷ đồng, đạt 95,46% so với dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 108,91% so với cùng kỳ.

Tại Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình KTXH tháng 10 và 10 tháng của năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH thời gian qua.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng KTXH những tháng cuối năm, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đề nghị từng sở, ngành, địa phương, đơn vị phải chủ động, năng động, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình cũng như tham mưu, đề xuất với tỉnh để đạt được mục tiêu tăng trưởng KTXH năm 2024.

Hà Giang (t/h)

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/tong-hop-tin-tuc-sang-3-11-tai-dbscl-457470.html