Tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Ngày 28/12, các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009-2023).

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 2009, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp thực hiệnĐề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Mục tiêu của Đề án nhằm bồi dưỡng kiến thức, trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Sau 3 năm đầu thực hiện thí điểm thành công ở 16 tỉnh, thành phố, từ năm 2012 đến nay, Đề án tiếp tục được nhân rộng trên 63 tỉnh, thành phố.

Trong 15 năm triển khai, Đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước gần 600 đầu sách (gồm sách giấy, sách điện tử như đĩa CD-ROM và CD Audio), với trên 14,4 triệu bản in. Sách của đề án gồm các nội dung: Kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở; sách về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo; cung cấp kiến thức, kỹ năng công tác Đảng, công tác mặt trận, đoàn thể; kỹ năng lãnh đạo, điều hành của Bí thư cấp ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, các chức danh công chức cấp xã và hoạt động của HĐND cấp xã; phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; trang bị kiến thức xây dựng nông thôn mới… Đã có nhiều mô hình quản lý, sử dụng sách sáng tạo, hiệu quả như luân chuyển sách xuống các thôn, bản, thành lập các tổ đọc sách cho nhau, nhiều nơi đã xây dựng phòng đọc điện tử. Đa số cán bộ, đảng viên và người dân đều tích cực, chủ động khai thác thông tin, tra cứu dữ liệu, tìm hiểu kiến thức dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đại biểu tỉnh Kon Tum tham luận tại Hội nghị.

Đại biểu tỉnh Kon Tum tham luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham luận, chia sẻ kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án; công tác tiếp nhận, quản lý, việc nghiên cứu, học tập sách của Đề án; công tác truyền thông về mục đích, ý nghĩa của Đề án, những mô hình sử dụng sách có hiệu quả ở cơ sở, góp phần lan tỏa Đề án tới cộng đồng…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án trong suốt 15 năm qua. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị triển khai thực hiện Đề án tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sách, mở rộng, tăng cường số lượng và đề tài sách cấp phát cho các địa phương. Tập trung đa dạng hóa các phương thức xuất bản, tăng cường phương thức xuất bản sách điện tử và phổ biến nội dung sách trên các nền tảng số. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông để ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân biết đến, truy cập, sử dụng, ứng dụng các tiện ích và đọc sách điện tử trên trang Thư viện điện tử của Đề án.

Các tập thể nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Các tập thể nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng bằng khen cho 11 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện Đề án.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/tong-ket-15-nam-thuc-hien-de-an-trang-bi-sach-cho-co-so-xa-phuong-thi-tran-3gmyBlOIg.html