Tổng kết hoạt động Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh năm 2022

BHG - Chiều 3.1, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến đến điểm cầu 11 huyện, thành phố tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh phát biểu kết luận hội nghị.

Trong năm 2022, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh bám sát các chỉ tiêu kế hoạch, thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, chỉ đạo của tỉnh, vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả tốt trên mọi mặt hoạt động, cụ thể: Tổng nguồn vốn đến 31.12.2022 ước đạt 4.309,9 tỷ đồng, tăng 699,8 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 19%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 4.300 tỷ đồng/91.120 khách hàng dư nợ, tỷ lệ tăng 19,4%. Trong năm 2022, đã có 30.765 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Trong đó có 14.059 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; 3.791 hộ tại vùng khó khăn được vay vốn để phát triển kinh doanh; 5.559 hộ được vay vốn tạo việc làm; 3.304 hộ được vay vốn xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn. Chất lượng tín dụng toàn chi nhánh tiếp tục được duy trì ổn định. Chú trọng đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hạn chế việc phát sinh nợ quá hạn...

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá những khó khăn, hạn chế trong thực hiện các chương trình tín dụng; đặc biệt là chương trình cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP chỉ đạt 31% kế hoạch giao. Một số huyện có nợ quá hạn cao hơn so với mức bình quân chung của tỉnh như huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Vị Xuyên. Một số huyện có tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt thấp như: Đồng Văn 86%, Quản Bạ 87%...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh đề nghị Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp cần quyết tâm cao trong thực hiện các chỉ tiêu đề ra năm 2023. Thực hiện các giải pháp tăng tỷ lệ giao dịch tại xã bình quân trên 95%, góp phần giúp các đối tượng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách được thuận tiện, nhanh chóng. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng, đặc biệt là cho vay thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên Ban đại diện NHCSXH cấp cơ sở. Các huyện, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách tín dụng, đặc biệt là chính sách mới để người dân nắm bắt và tiếp cận; căn cứ tình hình thực tế, rà soát các đối tượng cho vay đảm bảo đúng quy định. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại các xã có chất lượng hoạt động tín dụng thấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động tín dụng ủy thác. Đề nghị NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù, ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội. Tập trung chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay đảm bảo nguồn vốn đi vào thực chất, lấy chất lượng làm nòng cốt, không chạy theo số lượng, đem lại hiệu quả, tạo sinh kế bền vững cho người dân…

Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202301/tong-ket-hoat-dong-ban-dai-dien-hdqt-nhcsxh-tinh-nam-2022-88d25e0/