Tổng kết mô hình trường tiên tiến, cần đảm bảo chỗ học cho học sinh phổ cập
Thành phố chưa đạt 300 phòng học/10.000 dân, thì ngành giáo dục cần tính toán lại lộ trình thực hiện, không để tình trạng trẻ đến tuổi đi học mà không có chỗ học.
Ngày 18/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo tổng kết, lấy ý kiến Dự thảo quyết định về mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.
Báo cáo tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, mục tiêu của mô hình trường tiên tiến là giúp cho học sinh có thêm hứng thú học tập, chủ động, tích cực và sáng tạo trong học tập, phát huy tối đa các năng khiếu, phẩm chất, trau dồi các kỹ năng thực hành xã hội, tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại, công nghệ tiên tiến, trang bị kỹ năng ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế.
Vào năm 2005, mô hình này triển khai thí điểm tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, quận 3.
Sau khi triển khai thí điểm được 10 năm, thành phố đã ban hành tiêu chí trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng, chính thức để chuẩn hóa mô hình “Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tháng 8/2015, thành phố phê duyệt đề án xây dựng mô hình trường này tại 3 trường trung học phổ thông là Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du.
Hiện nay, mức thu của mô hình trường tiên tiến bao gồm 3 khoản thu: Học phí (theo quy định hiện hành), khoản thu thỏa thuận để thực hiện mô hình trường tiên tiến (không quá 1,5 triệu đồng mỗi học sinh/tháng), các khoản thu thỏa thuận khác (bán trú, xe đưa đón…) phải thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của liên ngành Giáo dục và Tài chính.
Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giải thích: Khoản thu thỏa thuận để thực hiện mô hình trường tiên tiến dùng chi trả thù lao giảng dạy, quản lý cho cán bộ, giáo viên, hoạt động hỗ trợ cho giảng dạy, đầu tư và mua sắm cơ sở vật chất, học bổng cho học sinh.
Hiện toàn thành phố có 40 trường từ bậc mầm non đến trung học phổ thông đang triển khai Đề án xây dựng mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, cô Trần Bé Hồng Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1 cho biết: Dù mô hình này nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn từ phụ huynh, nhưng yêu cầu chuẩn hóa tin học quốc tế rất khó thực hiện.
Ngoài ra, mức thu thỏa thuận 1,5 triệu đồng đã thực hiện 5 năm nay tại thành phố đã không còn phù hợp.
Cô Trần Bé Hồng Hạnh đề xuất, thành phố tạo cơ chế cho các trường xây dựng mức thu phù hợp với nhu cầu, thực tế từng đơn vị, để nâng cao chất lượng dạy và học.
Dưới góc độ khác, thầy Trịnh Vĩnh Thanh – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp nói: Một số đơn vị đã đề xuất nâng chuẩn sĩ số từ 30 lên 40 học sinh mỗi lớp, nhằm tăng thêm khoản thu, tạo nguồn đầu tư cơ sở vật chất, giảm nguồn đầu tư Nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Sau hơn 15 năm thí điểm, nhiều tiêu chí xây dựng mô hình trường tiên tiến cần tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn với thực tế của xã hội.
Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang phải chịu áp lực khá lớn về gia tăng dân số cơ học, toàn thành phố chưa đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, thì ngành giáo dục cần tính toán lại lộ trình thực hiện, không để tình trạng trẻ đến tuổi đi học mà không có chỗ học.
Lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở xem xét tính khả thi, tình hình thực tiễn để đề xuất các quy định về sĩ số học sinh trên mỗi lớp, mức thu, lộ trình triển khai mô hình trường tiên tiến phù hợp, trong đó cần tính đến sự liên thông giữa các bậc học, không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.