Tổng số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt hơn 102.054 tỷ đồng

Trong 9 tháng năm 2024, ước tính cả nước có trên 134,8 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng trên 7,4 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2023, với tổng số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là trên 102.054 tỷ đồng, tăng 13.693 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Số người tham gia tăng so với năm ngoái

Ngày 21/10, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8. Tại Kỳ họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có thông tin đáng chú ý về công tác an sinh xã hội của cả nước trong 9 tháng đầu năm.

Cụ thể, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta ngày càng được mở rộng, số người tham gia năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cơ bản hoàn thành theo lộ trình đề ra tại các Nghị quyết, văn bản của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; số người tham gia bảo hiểm y tế tiếp tục tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; số thu tăng trưởng bền vững, số tiền chậm đóng đã giảm dần qua các năm (đặc biệt, số tiền chậm đóng cuối năm 2023 đã giảm sâu nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69%).

Các loại bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm xã hội đều ghi nhận tăng trưởng từ số người tham gia

Các loại bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm xã hội đều ghi nhận tăng trưởng từ số người tham gia

Về tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2023, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt và vượt các chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ. Cụ thể, cả nước có khoảng: 18,42 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi; 14,8 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 31,52% lực lượng lao động trong độ tuổi; diện bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục phát triển bền vững với gần 93,63 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ 93,35%, vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, lần lượt đạt: trên 19,02 triệu người (tăng 9,9%); 93,45 triệu người (tăng 2,18%); 15,31 triệu người (tăng 8,02%).

Giải quyết kịp thời cho người tham gia, thụ hưởng các chế độ

Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, cùng với việc ban hành đầy đủ các quy trình nghiệp vụ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đẩy mạnh phân cấp và cải cách hành chính trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế; đồng thời luôn theo sát và chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương trong việc giải quyết kịp thời, đúng quy định tới từng người tham gia và thụ hưởng các chế độ.

Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết: 67.657 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, tăng 3,52% so với cùng kỳ năm 2023; 990.975 người hưởng các chế độ một lần (trong đó số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần giảm 0,66% so với cùng kỳ năm 2023); 6,2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; tiếp nhận 719.348 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Chi trả hơn 102.054 tỷ đồng tiền khám chữa bệnh BHYT

Chi trả hơn 102.054 tỷ đồng tiền khám chữa bệnh BHYT

Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo chi đúng, chi đủ. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ về bảo hiểm y tế để phát hiện, nhận diện sớm các dấu hiệu lạm dụng, các chi phí gia tăng bất thường, từ đó phối hợp với các cơ sở y tế kiểm tra, điều chỉnh, góp phần ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế . Nhiều khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền của Ngành đã được giải quyết, góp phần tạo thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hoạt động và đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định. Lũy kế 9 tháng năm 2024: ước tính cả nước có trên 134,8 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng trên 7,4 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2023) với tổng số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là trên 102.054 tỷ đồng (tăng 13.693 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023).

Trong mọi hoàn cảnh, ngay cả những lúc khó khăn khi nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 (Yagi) gây ra, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao để kịp thời tháo gỡ và thực hiện nhiều giải pháp thiết thực đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai qua nhiều giải pháp như: khẩn trương tổ chức chi trả để người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được kịp thời ngay cả dưới tác động của bão lũ, chi trả tại nhà đối với người hưởng ở một số địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ để nhanh chóng nhận chế độ duy trì cuộc sống; phân công cán bộ thường trực tại các cơ sở khám chữa bệnh, kịp thời giải quyết ngay các vướng mắc về thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như mất thẻ bảo hiểm; không có giấy chuyển viện…

Đặc biệt, bên cạnh việc giải quyết sớm nhất, nhanh nhất các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại do cơn bão số 3 tại 26 tỉnh, thành phố (trong đó, tổ chức các đoàn công tác do lãnh đạo ngành trực tiếp xuống trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế tại 7 tỉnh có thiệt hại lớn). Số sổ, thẻ được trao tặng trong dịp này là hơn 1.200 sổ bảo hiểm xã hội, khoảng 9.260 thẻ bảo hiểm y tế, tương ứng với tổng số tiền gần 16 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhằm hiện thực hóa mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão lũ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành Báo cáo số 3314/BC-BHXH ngày 24/9/2024 gửi Chính phủ, trong đó đề xuất chính sách hỗ trợ: Trong thời gian từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025 (6 tháng), tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (sửa đổi, bổ sung chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất) với đối tượng người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn bị ảnh hưởng bão lũ vừa qua, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nếu đề xuất được thông qua, dự báo sẽ có khoảng 3,3 nghìn doanh nghiệp, đơn vị với khoảng 93 nghìn lao động đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời hạn 6 tháng.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tong-so-chi-kham-chua-benh-bao-hiem-y-te-dat-hon-102054-ty-dong-156929.html