Tổng thống Biden từ chối gặp ông Kim mà không có cam kết phi hạt nhân trước

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu (21/5) tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố một số sáng kiến chung mới, bao gồm cả cách tiếp cận của họ đối với Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Sputnik

Bài liên quan

Triều Tiên chỉ trích chính quyền Biden ngoại giao giả tạo, cảnh báo hậu quả

Chính quyền Biden đề ra chính sách ngoại giao 'thực tế' với Triều Tiên

Tổng thống Biden điều chỉnh chính sách về Triều Tiên

Ông Biden thảo luận với thủ tướng Nhật Bản về Trung Quốc, Triều Tiên

"Mối quan hệ đối tác của chúng tôi dựa trên cam kết vững chắc giữa hai nước đối với an ninh chung. Liên minh của chúng tôi từ lâu đã trở thành trụ cột của hòa bình, an ninh, thịnh vượng của khu vực và ngày càng trở nên nổi bật hơn", ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.

Ông Biden cho biết hai quốc gia có “cách tiếp cận chung” đối với Triều Tiên và ông sẵn sàng “thực hiện các bước thực tế để giảm căng thẳng nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”, nhưng ông nói rằng ông sẽ chỉ đồng ý ngồi lại với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nếu ông ấy đồng ý phi hạt nhân hóa từ trước.

Ngược lại, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực, tháng trước cho biết ông sẵn sàng gặp ông Kim mà không cần điều kiện tiên quyết, thực hiện tiếp chính sách do người tiền nhiệm Shinzo Abe đã đề ra. Ngoài ra, ông Biden cho biết ông không phản đối việc đối thoại liên Triều.

Ông Biden thông báo rằng đặc phái viên mới của chính quyền Mỹ tại Bình Nhưỡng sẽ là ông Sung Kim, một nhà ngoại giao lâu năm của Bộ Ngoại giao, hiện là đại sứ Mỹ tại Indonesia, từng là đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc từ năm 2011 đến năm 2014. Ông có một lịch sử lâu dài về quản lý các mối quan hệ của Mỹ với Triều Tiên, bao gồm cả việc đại diện cho Mỹ tại Cuộc đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh và là đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách đối với Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông mong đợi một phản ứng tích cực từ Bình Nhưỡng khi biết tin ông Kim được bổ nhiệm làm đặc phái viên.

Ông Moon nói với các phóng viên rằng "nhiệm vụ chung khẩn cấp" của hai nước là đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù lệnh ngừng bắn đã được ký kết vào năm 1953, nhưng không có hiệp ước hòa bình vĩnh viễn nào được đồng ý để chấm dứt cuộc xung đột bắt đầu từ năm 1950, vì vậy Mỹ và Hàn Quốc vẫn không có quan hệ ngoại giao lâu dài với Triều Tiên.

Sau nhiều tháng kiên quyết chống lại Bình Nhưỡng vào đầu nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi giọng điệu của mình sang một cách hòa hoãn hơn, và đã kết hợp với ông Moon và ông Kim nhằm mở ra một mức độ quan hệ chưa từng thấy trước đây trong cuộc xung đột.

Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau trong ba hội nghị thượng đỉnh song phương vào năm 2018 và 2019 trước khi các cuộc đàm phán đổ vỡ. Ngoài ra, ông Kim và ông Moon đã ký một tuyên bố kết thúc chiến tranh và thực hiện các bước để bình thường hóa du lịch và thương mại, bao gồm các chuyến thăm giữa các gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh.

Các cuộc đàm phán Mỹ-Triều đã sụp đổ sau khi ông Trump tỏ ra không muốn thỏa hiệp về các lệnh trừng phạt kinh tế cấm Triều Tiên kinh doanh nhiều mặt hàng, bao gồm thiết bị y tế, thực phẩm và nhiên liệu như than đá, ngay cả khi ông Kim đã phá hủy một số địa điểm quan trọng cho chương trình hạt nhân của nước này như một cử chỉ thiện chí.

Triều Tiên đã kích nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và một số thông tin cho biết có một số ít vũ khí hạt nhân mà nước này cho rằng cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân khi duy trì tình trạng chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc.

Tương tự, quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng một lần nữa trở nên xấu đi sau khi cuộc đàm phán Mỹ-Triều tan vỡ. Các lực lượng Hàn Quốc tiếp tục tham gia các cuộc tập trận với Mỹ và Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới.

Ông Moon cũng cho biết Mỹ và Hàn Quốc sẽ thiết lập "quan hệ đối tác toàn diện" về vắc xin COVID-19 để "tăng cường cung cấp vắc xin, nhằm đẩy nhanh việc triển khai vắc xin cho toàn thế giới, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Ông giải thích: “Mỹ có khả năng phát triển vắc-xin và các công ty Hàn Quốc có khả năng sản xuất y sinh học".

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-thong-biden-tu-choi-gap-ong-kim-ma-khong-co-cam-ket-phi-hat-nhan-truoc-post134856.html