Tổng thống Nga và Thủ tướng Armenia vừa đồng ý về một việc

Những phát triển này báo hiệu sự thay đổi về các sắp xếp an ninh của Armenia trong bối cảnh Yerevan ngày càng rời xa Nga – đồng minh truyền thống lâu năm của mình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm 8/10 đã nhất trí rằng Moscow sẽ rút quân khỏi biên giới Armenia-Iran vào ngày 1/1 năm sau. Theo thỏa thuận, lực lượng biên phòng Armenia sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động do các lực lượng Nga đảm nhiệm tại trạm kiểm soát ở biên giới với quốc gia Trung Đông.

Bà Nazeli Baghdasaryan, người phát ngôn của Thủ tướng Armenia, đã đưa ra thông báo về vấn đề này, tóm tắt cuộc họp giữa ông Putin và ông Pashinyan bên lề Hội nghị Thượng đỉnh CIS diễn ra tại Moscow, nơi hai bên cũng thảo luận về các thỏa thuận tương tự liên quan đến lực lượng biên phòng Nga tại biên giới Armenia-Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong nhiều thập kỷ, biên giới của Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chỉ được bảo vệ bởi các lực lượng Nga.

Trong một cuộc họp hồi tháng 5, ông Pashinyan và ông Putin đã đưa ra quyết định tương tự về việc rút lính biên phòng Nga khỏi Sân bay Zvartnots ở thủ đô Yerevan của Armenia. Quá trình rút quân khỏi Zvartnots đã hoàn tất vào ngày 31/7, với việc lực lượng của Cơ quan An ninh Quốc gia Armenia tiếp quản nhiệm vụ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh CIS tại Moscow, ngày 8/10/2024. Ảnh: Kremlin.ru

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh CIS tại Moscow, ngày 8/10/2024. Ảnh: Kremlin.ru

Những sự phát triển này báo hiệu sự thay đổi trong các sắp xếp về an ninh của Armenia trong bối cảnh Yerevan ngày càng rời xa Moscow – đồng minh truyền thống lâu năm của mình. Chính quyền Armenia không hài lòng với vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh.

Yerevan đã chỉ trích Moscow vì không ngăn chặn được cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh vào tháng 9 năm ngoái. Cuộc tấn công cuối cùng đã dẫn đến việc Azerbaijan giành lại quyền kiểm soát khu vực này sau gần 3 thập kỷ do người Armenia quản lý.

Sau thành công về mặt quân sự của Azerbaijan, chính quyền ly khai của người Armenia tại Nagorno-Karabakh đã giải thể, dẫn đến các cuộc thảo luận tiếp theo giữa Yerevan và Baku nhằm thiết lập một nền hòa bình lâu dài.

Minh Đức (Theo RFE/RL, Asberez)/Người đưa tin

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/tong-thong-nga-va-thu-tuong-armenia-vua-dong-y-ve-mot-viec-6271.html