Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức thảo luận về chiến sự Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 9/3 đã thảo luận về các biện pháp ngoại giao để giải quyết xung đột ở Ukraine và thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường.
Điện Kremlin cho biết: "Nhiều nỗ lực chính trị và ngoại giao đã được thực hiện, đặc biệt là vòng đàm phán thứ ba giữa phái đoàn Nga và đại diện chính quyền Kiev.”
Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đã thảo luận về "các khía cạnh nhân đạo" ở Ukraine và các khu vực ly khai.
Tổng thống Putin đã thông báo cho Thủ tướng Scholz về các biện pháp đang được thực hiện để sơ tán dân thường và “âm mưu của các tay súng dân tộc chủ nghĩa” nhằm phá hoại kế hoạch đó.
Cùng ngày, Nga và Ukraine đã nhất trí mở thêm các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các thành phố bị bắn phá, trong khi xuất hiện những lo ngại mới về nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau khi bị cắt điện.
Mỹ bác đề nghị của Ba Lan cung cấp máy bay chiến đấu Mig-29 cho Ukraine
Ngày 9/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva đã thông qua đại sứ quán của mình tại các nước cảnh báo về hậu quả của việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trao đổi với Đài phát thanh Sputnik, bà Zakharova nhấn mạnh Nga đã cảnh báo các quốc gia liên quan tới việc cung cấp vũ khí hoặc cử những người được gọi là tình nguyện viên đến Ukraine cho "các kế hoạch thử nghiệm" tại quốc gia Đông Âu này "sẽ phải chịu trách nhiệm."
Theo bà Zakharova, các nhà ngoại giao, đại sứ và đại sứ quán của Nga đã truyền đạt rõ ràng quan điểm này tới chính quyền các nước sở tại.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Ba Lan vừa đề nghị cung cấp máy bay chiến đấu Mig-29 cho Ukraine thông qua một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức.
Điện Kremlin ngày 9/3 cũng đã cảnh báo động thái này có thể dẫn tới một "kịch bản nguy hiểm."
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Đây là một kịch bản không ai mong muốn và tiềm ẩn nguy hiểm."
Trong khi đó, Mỹ cũng đã bác bỏ đề nghị của Warsaw. Lầu Năm góc nhấn mạnh việc triển khai máy bay chiến đấu từ lãnh thổ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến khu vực xung đột ở Ukraine sẽ làm gia tăng quan ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh quân sự này.
NATO từng tuyên bố không muốn xung đột trực tiếp với Nga.
Trong nỗ lực nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước các chiến dịch quân sự của Nga, nhiều thành viên thuộc NATO và các nước phương Tây đang cung cấp một số lượng lớn vũ khí cho Ukraine.
Trong số các vũ khí này, có những loại súng và tên lửa cỡ nhỏ dùng để phá hủy xe tăng và máy bay chiến đấu.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 1/3 cảnh báo những nước cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm nếu những vũ khí này được sử dụng trong quá trình Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moskva sẽ đáp trả các biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện đối với Nga.
Cùng ngày, Tổng thống Senegal Macky Sall cho biết trên cương vị Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), ông đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin để kêu gọi thúc đẩy một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Ukraine.
Qua mạng xã hội Twitter, ông Sall cho biết: “Với tư cách là chủ tịch AU, tôi rất vui mừng về cuộc nói chuyện sáng nay với Tổng thống Putin để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn lâu dài. Tôi hoan nghênh Tổng thống Putin đã lắng nghe và sẵn sàng duy trì đối thoại để đàm phán đạt kết quả giải quyết cuộc xung đột hiện nay."
Nhà máy Chernobyl vẫn an toàn sau khi bị ngắt kết nối với điện
Ngày 9/3, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Ukraine đã bị cắt điện, song điều này “không gây tác động nghiêm trọng đến độ an toàn” của cơ sở năng lượng này.
Trước đó cùng ngày, công ty năng lượng Ukrenergo thông báo nhà máy điện hạt nhân Chernobyl “đã hoàn toàn bị ngắt khỏi mạng lưới điện” và “không có khả năng khôi phục” do tình hình chiến sự hiện nay.
Công ty hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom sau đó cảnh báo các chất phóng xạ có thể bị rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, vì không thể làm mát nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sau khi bị ngắt kết nối điện.
Trong tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter, IAEA cho biết trong bối cảnh hiện nay, cơ quan này không thấy sự tác động đáng kể đối với sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Trước đó một ngày, IAEA cho biết đã không thấy tín hiệu dữ liệu truyền từ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Trong khi đó, phía Nga khẳng định nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cùng nhà máy điện hạt nhân khác tại Ukraine là Zaporizhzhia vẫn an toàn.
Trong một tuyên bố ngày 9/3, người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine vẫn được kiểm soát chung bởi lực lượng Nga, chuyên gia và Lực lượng vệ binh Ukraine.
Hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của bà Zakharova, trong đó bác thông tin phía Ukraine đưa ra về việc lượng phóng xạ tại nhà máy Chernobyl tăng lên 20 lần.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nồng độ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Zaporizhzhia vẫn ở mức bình thường và không gây hại cho người dân.