Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bài toán 'sống chung' với liên minh cánh tả

Khác hoàn toàn với dự đoán của giới phân tích và các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) đã bất ngờ dẫn đầu vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp, đẩy liên minh Tập hợp Quốc gia (RN) có xu hướng cực hữu xuống vị trí thứ ba.

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng 2 cho thấy, Mặt trận Bình dân Mới cánh tả giành được 182 ghế, trong khi liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron giành được 163 ghế. Đảng cực hữu National Rally vốn dẫn đầu ở vòng đầu tiên đã tụt xuống vị trí thứ ba, giành được 143 ghế.

Tổng thống Pháp đối mặt khó khăn mới sau khi liên minh cánh tả dẫn đầu trong vòng 2 bầu cử Quốc hội

Tổng thống Pháp đối mặt khó khăn mới sau khi liên minh cánh tả dẫn đầu trong vòng 2 bầu cử Quốc hội

Một tháng trước, Mặt trận Bình dân Mới (NFP) không tồn tại. Liên mình chỉ hình thành vài ngày sau khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi một cuộc bầu cử Quốc hội sớm. Chính sách của NFP là mở rộng nền tảng kinh tế, hứa hẹn sẽ tăng mức lương tối thiểu, giới hạn giá hàng hóa thiết yếu và loại bỏ cuộc cải cách lương hưu vốn không được lòng dân của ông Macron. Về chính sách đối ngoại, NFP đã cam kết “ngay lập tức công nhận” một Nhà nước Palestine và thúc đẩy Israel và Hamas ngừng bắn ở Gaza.

Chiến lược của NFP là xây dựng một “mặt trận” hoặc “con đập” chống lại phe cực hữu. Phát biểu chúc mừng thành công của cánh tả thống nhất, ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo Đảng cánh tả cấp tiến Nước Pháp bất khuất, nhấn mạnh các cử tri đã “loại trừ giải pháp tồi tệ nhất”, tức là RN chiếm được đa số tuyệt đối trong quốc hội. Với kết quả này, RN đã không còn cơ hội nắm quyền lực mặc dù vẫn được hưởng một vị thế mạnh nhất trong lịch sử tồn tại của mình.

Mặc dù tránh được một Chính phủ cực hữu, nhưng kết quả có nghĩa là Pháp rơi vào tình trạng lấp lửng về chính trị, không có đảng nào đạt được đa số tuyệt đối. Nhiệm vụ cấp bách của Tổng thống Macron là giải quyết bài toán hóc búa: “sống chung” như thế nào với liên minh vừa thắng cử trong những tháng tới. Theo giới quan sát, một trong những kịch bản tiềm năng nhất là thành lập một “Chính phủ cầu vồng”, gồm nhiều sắc thái chính trị như thường thấy tại Bỉ, trên cơ sở một quốc hội đa nguyên.

Nếu điều này không thể trở thành hiện thực, ông Macron có thể nghĩ tới việc thành lập một Chính phủ kỹ trị gồm các học giả, chuyên gia và công chức cấp cao, không liên quan đến bất kỳ đảng phái chính trị nào, làm việc dưới sự điều hành của một nhân vật được đề cử vào Phủ Thủ tướng theo nguyên tắc đồng thuận, giống như một Chính phủ tại Italia năm 2021-2022. Tuy nhiên, với một Chính phủ kỹ trị, Tổng thống Macron sẽ phải chấp nhận từ bỏ các tham vọng cải cách mà ông muốn hoàn thành trong phần còn lại của nhiệm kỳ thứ hai.

Sáng 8-7, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal tuyên bố sẽ gửi đơn từ chức tới Tổng thống sau khi kết quả bầu cử được công bố. Ai sẽ là Thủ tướng tiếp theo của nước Pháp? Điều đó chưa rõ ràng bởi các nhân vật trong đảng Ensemble của ông Macron đã nhiều lần nói rằng họ sẽ từ chối hợp tác với một số thành viên liên minh NFP. Thủ tướng tiếp theo khả năng sẽ là người thuộc cánh tả, nhưng với điều kiện NFP cần tìm ra một chính trị gia có cá tính đủ mạnh và không thể tranh cãi để tập hợp được phe trung dung và cánh hữu lại với nhau.

Minh Trí

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tong-thong-phap-emmanuel-macron-va-bai-toan-song-chung-voi-lien-minh-canh-ta-post582293.antd