Tổng thống Pháp Macron: 'Châu Âu sẽ phải trả giá để từ bỏ khí đốt của Nga'
Tổng thống Phap cho rằng, mục tiêu trước mắt là phải đảm bảo nguồn cung khí đốt và đẩy nhanh nhất có thể giai đoạn chuyển tiếp để có thể từ bỏ nguồn cung từ Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 5/9 đã thống nhất ủng hộ cơ chế tương trợ châu Âu về năng lượng, thúc đẩy cải cách thị trường điện châu Âu, cũng như áp đặt áp trần giá khí đốt của Nga nhưng cũng thừa nhận châu Âu sẽ phải trả giá cho những quyết định này.
Phát biểu sau cuộc họp trực truyến với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại điện Élyseé, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu từ Nga trong vài tháng qua đã giảm mạnh từ 50% xuống chỉ còn 9% như hiện nay. Tuy nhiên, cả Pháp và Đức vẫn cần chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất là Nga dừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt đến châu Âu.
Tổng thống Pháp Macron trong buổi họp báo chiều 5/9. Ảnh: Le Monde
Người đứng đầu nước Pháp ủng hộ thiết lập các cơ chế tương trợ châu Âu. Trước mắt, Pháp đang hoàn thiện hệ thống kết nối khí đốt để sẵn sàng tăng sản lượng cung cấp cho Đức nếu cần và đổi lại, Đức cũng sẽ nâng sản lượng điện để hỗ trợ cho Pháp trước nguy cơ thiếu hụt trong mùa Đông tới. Tổng thống Pháp Macron tiếp tục kêu gọi đẩy nhanh quá trình cải cách thị trường điện và gia tăng kết nối hệ thống điện tại châu Âu. Pháp và Đức thống nhất về việc Ủy ban châu Âu (EC) cần áp đặt chế tài buộc các tập đoàn năng lượng phải gia tăng đóng góp, chia sẻ nguồn lợi nhuận khổng lồ có được từ sự leo thang của giá năng lượng, đặc biệt là giá điện, để hỗ trợ người dân.Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh ủng hộ châu Âu áp đặt mức giá trần đối với nguồn khí đốt của Nga và xây dựng cơ chế mua chung khí đốt, để có được mức giá tốt nhất. Tuy nhiên, ông Macron cũng bảo vệ quyết định phản đối việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới nối Pháp và Tây Ban Nha có tên gọi Midcat, dù dự án này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đức và Tây Ban Nha. Ông Macron cho rằng, dự án đường ống dẫn khí Midcat là không cần thiết và không có lợi cho hệ sinh thái và môi trường. Người đứng đầu nước Pháp tiếp tục kêu gọi người dân Pháp ủng hộ kế hoạch tiết kiệm năng lượng, không bật sưởi quá 19 độ để tránh trường hợp xấu nhất là phải tiến hành cắt điện luân phiên trong mùa Đông, cũng như hướng tới mục tiêu giảm 10% sản lượng năng lượng tiêu thụ vào năm 2024.Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận châu Âu sẽ phải trả giá để có thể từ bỏ nguồn cung khí đốt từ Nga. “Mục tiêu trước mắt là phải đảm bảo nguồn cung khí đốt và đẩy nhanh nhất có thể giai đoạn chuyển tiếp để có thể từ bỏ nguồn cung từ Nga. Tất nhiên là trong bối cảnh và giai đoạn chuyển giao này, giá khí đốt trên thị trường có thể tăng gấp 5 hoặc 6 lần và giá điện sẽ tiếp tục tăng cao chưa từng có trong lịch sử”, Tổng thống Emmanuel Macron nói.Theo dự kiến, Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên EU sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 tới, để bàn các biện pháp đối phó với nguy cơ sự thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông tới.Sau khi Nga quyết định khóa van đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đến châu Âu, giá khí đốt tham chiếu trên sàn TTF tại Hà Lan ngày 5/9 đã tăng mạnh thêm 30% lên 272 euro/MGWh, gấp gần 4 lần so với mức giá khoảng 70 euro đầu năm 2022./.
Mạnh Hà/VOV