Tổng thống Trump muốn giữ bí mật các cuộc điện đàm xuyên quốc gia
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét cấm tất cả các quan chức nghe những cuộc điện thoại của ông với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng điều này có thể là 'thảm họa' cho an ninh quốc gia.
Phá bỏ truyền thống của Nhà Trắng
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng bắt đầu hạn chế số người được phép nghe các cuộc điện thoại của Tổng thống sau khi bản ghi các cuộc gọi với các nhà lãnh đạo Mexico và Australia bị rò rỉ - tờ New York Times thông tin. Theo như thông lệ, chính sách hiện tại thường cho phép 4 quan chức Nhà Trắng lắng nghe các cuộc gọi của Tổng thống với các nhà lãnh đạo nước ngoài, bao gồm Cố vấn An ninh quốc gia, Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia và Phó Giám đốc Hội đồng phụ trách khu vực. Họ chủ yếu ghi chép lại và gợi ý chủ điểm để giúp xây dựng chính sách đối ngoại.
“Thực tiễn đó là không thể thiếu trong phối hợp và thực thi chính sách đối ngoại cũng như an ninh quốc gia”, ông Edward Price, người từng là Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama cho biết. “Tuyên bố của ông Trump cho thấy, ông sẵn sàng từ bỏ những điều sẵn có nhằm theo đuổi chương trình nghị sự riêng thay vì lợi ích quốc gia mà không cần có nhân chứng lắng nghe”, ông Price nói thêm.
Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, có những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến việc cấm các quan chức lắng nghe các cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo nước ngoài. “Tổng thống Trump sẽ là cơn ác mộng đối với mọi sĩ quan và an ninh quốc gia. Cho phép ông ấy thực hiện các cuộc gọi đó một cách riêng tư sẽ là thảm họa đối với chúng ta”, một cựu quan chức cấp cao của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ nói.
Đặc biệt, ông Trump vốn có những động thái liều lĩnh với các vấn đề bí mật quốc gia. Vào tháng 5-2017, ông tiết lộ thông tin tình báo tuyệt mật mà Mỹ có được từ đồng minh thân cận Israel với 2 quan chức Nga trong một cuộc họp của Phòng Bầu dục. Năm ngoái, ông đã đăng trên Twitter một bức ảnh từ một cuộc họp mà các chuyên gia tình báo nhận định rằng, đó có thể cung cấp một “mỏ vàng” cho giới tình báo nước ngoài.
Bài học từ phiên luận tội
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống tìm cách giữ bí mật cuộc trò chuyện với các nguyên thủ nước ngoài. Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ hồi năm ngoái cho hay: “Không có hồ sơ chi tiết, ngay cả trong các tài liệu mật về các cuộc gặp mặt trực diện giữa ông Trump với người đồng cấp Nga tại 5 địa điểm trong 2 năm qua”.
Bài báo cho biết, sau một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2017, ông Trump đã nói với người phiên dịch rằng, không được kể lại với các quan chức Mỹ khác những gì ông đã nói, sau đó ông còn thu giữ các ghi chú của phiên dịch viên. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2018, ông Trump một lần nữa gặp gỡ riêng với ông Putin và không cho phép một quan chức Mỹ nào tham dự cuộc họp. Hơn thế, ông chủ Nhà Trắng hôm 5-2 đã được Thượng viện tuyên bố vô tội với 2 cáo buộc lạm dụng và cản trở Quốc hội, tất cả đều bắt nguồn từ cuộc điện đàm hồi tháng 7 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Có lẽ, chính vì điều này nên ông Trump càng có quyết tâm giữ bí mật khi thực hiện các cuộc gọi của mình với các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Được biết, cuộc điện đàm giữa ông Trump với người đồng cấp Ukraine về nguyên tắc phải được giữ bí mật với công chúng, nhưng nó đã bị một quan chức tình báo ẩn danh tiết lộ chi tiết bất thường. Theo cáo buộc, trong cuộc trò chuyện, ông Trump liên tục gây sức ép với ông Zelensky để điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, một trong những đối thủ nặng ký trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2020. Cuộc gọi đó có sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, người làm việc về chính sách của Ukraine và các quan chức cấp cao của Nhà Trắng. Người tố giác cho biết, một số người đã thông báo về nội dung của cuộc gọi và nêu lên mối lo ngại rằng, ông Trump có thể đã phạm luật bằng cách kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử sắp tới.