Tổng thống Trump tìm kiếm 'vũ khí' mới
Việc ông Trump bị khóa tài khoản Twitter vĩnh viễn khiến nhiều đồng minh của tổng thống và cả Nhà Trắng ráo riết tìm kiếm giải pháp khác để ông tiếp tục cuộc chiến truyền thông.
Nhiều chính trị gia bảo thủ đã phản ứng gay gắt trước quyết định khóa vĩnh viễn tài khoản cá nhân của Tổng thống Trump từ phía Twitter hôm 8/1.
Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, Brad Parscale, và người dẫn chương trình Rush Limbaugh đã chỉ trích dữ dội Twitter, đồng thời kêu gọi người ủng hộ ngưng sử dụng mạng xã hội này.
Về phía mình, người đứng đầu Nhà Trắng đã úp mở về việc tham gia nền tảng mạng xã hội khác, theo Washington Post. Ông Trump cũng đả động đến khả năng tự xây dựng nền tảng truyền thông trực tuyến của riêng mình.
Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản cá nhân của ông Trump
Vào ngày 6/1, phiên họp Quốc hội Mỹ nhằm xác định tổng thống hợp hiến bị gián đoạn khi người ủng hộ ông Trump chiếm đóng Điện Capitol trong nhiều giờ liền.
Sau khi Vệ binh Quốc gia trấn áp đám đông, nhiều nghị sĩ và chính trị gia kỳ cựu đã cáo buộc người đứng đầu Nhà Trắng kích động bạo lực bằng truyền thông.
Cụ thể, khi tòa nhà quốc hội bị chiếm đóng, ông Trump đăng tải một đoạn video lên Twitter, được nhận xét là có nội dung gây hấn thụ động.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm mở đầu bài nói của mình bằng cáo buộc vô cớ về gian lận bầu cử: "Tôi biết các bạn đang chịu nhiều tổn thương. Cuộc bầu cử của chúng ta đã bị đánh cắp. Kết quả là vô cùng cách biệt, mọi người đều biết điều đó, đặc biệt là những người ở bên kia chiến tuyến".
Sau đó người đứng đầu Nhà Trắng thúc giục cử tri ủng hộ mình ngưng kích động bạo lực ở tòa nhà quốc hội: "Bây giờ, các bạn phải về nhà. Chúng ta phải tôn trọng luật pháp. Đây quả là một khoảng thời gian khó khăn. Chưa bao giờ họ có thể tước đoạt mọi thứ từ chúng ta như vậy".
Hai ngày sau, Twitter thông báo khóa vĩnh viễn tài khoản cá nhân của Tổng thống Trump, ở địa chỉ định danh @realDonaldTrump, nhằm ngăn chặn rủi ro kích động bạo lực trong tương lai.
Tổng thống Trump hôm 9/1 đã đưa ra thông điệp đáp trả Twitter. Thông qua tài khoản chính thức dành cho tổng thống tại địa chỉ @POTUS với hơn 33,3 triệu người theo dõi, ông Trump cáo buộc “Twitter đã đi quá xa”.
Ông cáo buộc công ty này hợp tác với phe Dân chủ để khóa tài khoản của mình, nhằm "buộc tôi và các bạn, 75 triệu người dân yêu nước đã bỏ phiếu cho tôi, phải im lặng".
"Chúng ta sẽ không bị bịt miệng", ông Trump khẳng định.
Tuy nhiên, bài đăng nhanh chóng biến mất. Chính Twitter thừa nhận họ đã xóa những nội dung này.
“Bến đỗ” nào cho ông Trump?
Tổng thống Trump và các đồng minh hiện gặp khó khăn trong việc chuyển sang một mạng xã hội mới hoặc thiết lập nền tảng riêng của họ.
Bởi lẽ, sức ảnh hưởng và lượng người quan tâm nếu ông Trump chuyển sang “bến đỗ” mới được dự đoán là sẽ không nhiều bằng Twitter.
“Những người ủng hộ Tổng thống Trump không quá nhiệt thành sẽ nhận được ít thông tin về ông ấy hơn”, nhà nghiên cứu về tin giả Emerson T. Brooking nhận xét. “Hàng triệu người vẫn sẽ ngóng trông và nhận được thông điệp từ ông Trump, nhưng đây sẽ là một nhóm nhỏ và tận trung hơn”.
Tổng thống Trump và các đồng minh đã nhận được lời mời đàm phán từ một số mạng xã hội khác để thay thế Twitter, theo Washington Post.
Trước đó, nhiều người ủng hộ ông Trump đã kêu gọi người dùng chuyển sang nền tảng Parler, mạng xã hội vẫn đang có chính sách thoải mái với giới cực hữu. Tuy nhiên, Apple và Google lại không muốn hỗ trợ Parler.
Google vào ngày 9/1 thông báo sẽ xóa Parler khỏi kho ứng dụng Play Store, trừ khi mạng xã hội này áp dụng các hình thức kiểm duyệt nội dung. Một ngày sau, Apple cũng cho biết họ đã xóa Parler khỏi App Store, sau khi nhà phát triển không thể cung cấp kế hoạch cụ thể để kiểm duyệt, lọc nội dung cực đoan khỏi nền tảng.
Parler tự mô tả mình là mạng xã hội "không thiên kiến, tự do ngôn luận, hướng tới bảo vệ quyền của người dùng". Mạng xã hội này nhanh chóng được nhóm cực hữu yêu thích sau khi nhiều tài khoản trên Facebook, Twitter bị xóa.
Ứng dụng này vẫn có thể quay trở lại nền tảng iOS nếu chứng minh được khả năng lọc nội dung nguy hiểm, Apple cho biết.
Do đó, Parler được cho là một ứng viên tiềm năng trong trường hợp các nỗ lực tìm kiếm phương tiện truyền thông mới của ông Trump và các cộng sự thất bại.
Gab, một nền tảng trực tuyến được giới cánh hữu ưa chuộng, đã viết trên Twitter rằng họ sẽ “có cuộc trò chuyện quan trọng với một nhân vật đặc biệt” được lên lịch vào ngày 16/1.
Dù không trực tiếp thông báo về ông Trump, Gab sau đó đã đăng tải một tweet khác về việc tổng thống đương nhiệm đàm phán với các mạng xã hội tiềm năng. Điều này làm rộ lên các đồn đoán về việc ông Trump chuyển sang dùng Gab.
Ngoài Gab và Parler, người đứng đầu Nhà Trắng cũng có thể tự tạo nền tảng riêng để truyền tải thông điệp của mình đến người ủng hộ.
Trên thực tế, Tổng thống Trump đã ấp ủ ý định xây dựng mạng xã hội của riêng mình từ đầu năm 2020, theo Washington Post. Ông đã tiết lộ điều này với các trợ lý trong chiến dịch tranh cử, Nhà Trắng và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, song chỉ nói rằng nền tảng đó “sẽ ra mắt sớm”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nỗ lực này của ông Trump sẽ khó đạt kết quả như kỳ vọng. Bởi lẽ, các mạng xã hội thu hút lượng lớn người dùng nhờ tính năng cho phép tương tác giữa bạn bè, gia đình và người quen.
Trong khi đó, nền tảng trực tuyến mà Tổng thống Trump xây dựng sẽ khiến người dùng có cảm giác họ chỉ tham gia vào một mạng lưới những người ủng hộ ông và được thúc đẩy bởi động cơ chính trị.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-trump-tim-kiem-vu-khi-moi-post1172031.html