Tổng thống Trump xem xét mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ giữa 'bão' COVID-19

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 13/3/2020 - Nguồn: THX/ TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/3 cho biết ông đang xem xét sẽ mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ như thế nào khi thời gian đóng cửa kéo dài 15 ngày sẽ kết thúc vào tuần tới, kể cả khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan nhanh chóng và các bệnh viện đang chống chọi với số ca tử vong do dịch COVID-19 gia tăng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump cho biết nước Mỹ sẽ sớm mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không để tình hình này trở thành một vấn đề tài chính kéo dài”.

Một tuần trước, Tổng thống Trump đã ban hành hướng dẫn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong 15 ngày, trong đó có hạn chế hoạt động đi lại không cần thiết. Cùng lúc đó, hoạt động kinh tế đã thưa dần ở nhiều bang.

Tuy nhiên, nhìn vào tình trạng nhiều việc làm bị cuốn đi và thị trường chứng khoán lao dốc, Tổng thống Trump đã bày tỏ lo ngại về tác động của các biện pháp giới hạn nói trên đối với thể trạng trong dài hạn của nền kinh tế. Viết trên trang Twitter cá nhân mới đấy, ông Trump cho biết khi thời kỳ đóng cửa 15 ngày kết thúc, chính phủ sẽ quyết định hướng đi tiếp theo.

Những ngày qua, nhiều cố vấn chính sách kinh tế đã bắt đầu tập trung vào vấn đề các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh cần kéo dài bao lâu. Có ý kiến cho rằng nếu tình hình đóng cửa kinh doanh hiện nay tiếp tục kéo dài, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.

Tuy vậy, thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cảnh báo không nên dỡ bỏ các quy định ngăn chặn dịch bệnh quá sớm vì lo ngại cho nền kinh tế. Theo bà Graham, trọng tâm chính bây giờ là đảm bảo dịch bệnh được ngăn chặn và đẩy lùi.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã và đang tăng cường các biện pháp chính sách tiền tệ mạnh mẽ để ngăn chặn tác động kinh tế của dịch bệnh. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 23/3 đưa ra một loạt chương trình chưa từng có trước đây nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Cùng ngày 23/3, phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ công bố một gói cứu trợ trị giá 2.500 tỉ USD nhằm giúp nước Mỹ đối phó với tình trạng kinh tế khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Theo đó, gói cứu trợ này lớn hơn gần 40% so với dự luật 1.800 tỉ USD từng được thúc đẩy tại Thượng viện.

Dự luật của Hạ viện Mỹ không chỉ xóa bỏ các hạn chế đối với người nghỉ ốm và nghỉ phép có trong gói cứu trợ nhằm đối phó với dịch bệnh trước đó đã được ký thành luật, đồng thời mở rộng bảo hiểm thất nghiệp và các điều kiện nghiêm ngặt cho các công ty nhận tiền cứu trợ từ chính phủ liên bang. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã tuyên bố rằng Hạ viện có thể chấp nhận phiên bản cứu trợ của Thượng viện nếu đạt được thỏa thuận lưỡng đảng, song cảnh báo có thể chuyển lại cấp ủy ban để bỏ phiếu trong trường hợp bế tắc.

Cũng trong ngày 23/3, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Charles Schumer nói rằng các cuộc đàm phán với Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin đang được triển khai tích cực, và ông hy vọng sẽ sớm đạt được một thỏa thuận trong ngày 24/3 (theo giờ Mỹ).

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 23/3 kêu gọi các công ty không sa thải người lao động, đồng thời nhấn mạnh các doanh nghiệp nhỏ cần nhanh chóng được vay vốn để có thể gia tăng khả năng thanh toán bằng tiền mặt.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin CNBC, ông Mnuchin nêu rõ: "Tôi muốn nói rằng họ không nên sa thải người lao động, và trong vòng tuần tới, tôi sẽ cho vận hành một chương trình mà theo đó, các doanh nghiệp nhỏ có thể làm việc dễ dàng và nhanh chóng với các ngân hàng cũng như nhận được các dòng tiền mặt”.

Ông Mnuchin đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh các nghị sĩĐđảng Dân chủ và Cộng hòa đang thảo luận về gói giảm thiểu tác động của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động kinh doanh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Trong diễn biến khác, 67 nghị sĩ Mỹ ngày 23/3 đã gửi một bức thư bày tỏ ủng hộ hình thức bỏ phiếu từ xa để thông qua các quyết định của Quốc hội trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ, khiến một số thành viên Quốc hội phải tự cách ly tại nhà hoặc tại bệnh viện.

Với sự nhất trí của các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, bức thư kêu gọi Ủy ban Thẩm tra các dự luật của Hạ viện cho phép bỏ phiếu từ ngoài phòng họp trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên truyền thống bỏ phiếu tại Đồi Capitol trong 2 thế kỷ qua được miễn thực thi.

Theo các quy định lâu đời tại Mỹ, mọi cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội phải được thực hiện với sự có mặt của các nghị sĩ, dù đã có công nghệ bỏ phiếu qua điện thoại trong hai thập kỷ qua. Nhưng các diễn biến dịch COVID-19 thời gian qua đã cho thấy rõ các nguy cơ khi buộc hàng chục nghị sĩ phải tập trung trong một phòng họp kín.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham bày tỏ trên mạng Twitter: "Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng bỏ phiếu từ xa để thượng viện có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian khủng hoảng", nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang cân nhắc các hạn chế mới đối với các cuộc họp ở Đồi Capitol. Ông cũng kêu gọi Quốc hội sớm đưa ra quyết định về việc này, trước khi các thượng nghị sĩ rời trụ sở nhân kỳ nghỉ Phục sinh vào đầu tháng 4 tới.

Trong khi đó, nữ nghị sĩ Kathleen Rice, một trong số các nghị sĩ Dân chủ ủng hộ thay đổi trên, viết trên Twitter: "Quốc hội phải được phép bỏ phiếu từ xa để chúng tôi được an toàn và nhanh chóng thông qua luật nhằm chống đại dịch COVID-19 và cung cấp các hỗ trợ cho những người đang rất cần được hỗ trợ”.

Người đứng đầu bức thư nói trên, nghị sĩ Đảng Dân chủ Eric Swalwell cho biết: "Chúng ta cần tạo ra một cơ chế để Quốc hội có thể hoạt động trong thời khủng hoảng mà không cần hội họp tại một địa điểm". Tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng đã kêu gọi Ủy ban Thẩm tra các dự luật nghiên cứu vấn đề này.

Theo số liệu mới nhất vừa công bố sáng 24/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận thêm 132 trường hợp tử vong vì mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên ít nhất 545 người.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 23/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Lầu Năm Góc đang chuẩn bị triển khai các bệnh viện dã chiến đến hai thành phố New York và Seattle vào cuối tuần này. Ông Esper cho biết 5 đơn vị đã được sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cân nhắc triển khai những lực lượng tương tự tới các địa phương khác nếu cần thiết, bao gồm bệnh viện, thiết bị và các chuyên gia y tế.

Hai tiểu bang Washington và New York được xác định là những khu vực có các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất tại Mỹ hiện nay. Những nỗ lực khác của Lầu Năm Góc trong việc giải quyết dịch bệnh này còn bao gồm việc triển khai một tàu bệnh viện của Hải quân ở thành phố San Diego đến Los Angeles để giúp giảm tải các cơ sở y tế dự kiến sẽ bị quá tải bởi các bệnh nhân COVID-19.

Bộ trưởng Esper cũng thông báo rằng mức độ bảo vệ y tế của Lầu Năm Góc đã được nâng cấp lên mức cao thứ hai. Ông thừa nhận rằng đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sự sẵn sàng của quân đội Mỹ.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/236641/tong-thong-trump-xem-xet-mo-cua-tro-lai-nen-kinh-te-my-giua-bao-covid-19.html