Top mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu tỷ đô trong 5 tháng, hai 'chủ công' bộc lộ điểm yếu

Xuất khẩu gạo và rau quả tiếp tục là hai mặt hàng chủ lực của nông sản khi thu về hơn 5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Dư địa và tiềm năng là vẫn còn, thế nhưng các doanh nghiệp cần khắc phục những điểm yếu, đặc biệt là trong khâu liên kết và hợp tác để có thể đi đường dài bền vững.

Các mặt hàng chủ lực đều có tín hiệu tích cực

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản tháng 5 đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Gạo, rau quả, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ... giữ đà tăng trưởng ổn định, giúp kim ngạch toàn ngành đạt hơn 24 tỷ USD.

Tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 24,14 tỷ USD. Trong đó, nông sản đạt 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%.

Một trong những nhóm hàng xuất khẩu ấn tượng 5 tháng qua là gỗ và sản phẩm gỗ. Riêng tháng 5, kim ngạch tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bộ NN&PTNT nhận định, do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi, kỳ vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có cơ hội tăng trưởng khả quan và nhiều khả năng đạt mục tiêu đề ra là 17,5 tỷ USD trong năm 2024.

Bởi theo thông lệ hàng năm, nhu cầu thị trường, đặc biệt là phân khúc đồ nội thất bằng gỗ, thường tăng rất mạnh vào quý IV, mùa của lễ hội với nhu cầu thay thế nội thất theo chu kỳ và thị trường nhà ở hoàn thiện.

Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định: “Lâu nay mình phát triển theo chiều rộng, rất quan tâm đến con số, năm nay xuất được bao nhiêu, năm sau phải lên bao nhiêu. Điều này cũng rất quan trọng vì đẩy quy mô của ngành hàng lớn lên và theo hướng thâm dụng lao động, tức là sử dụng nhiều lao động với chi phí nhân công còn rẻ. Thứ hai là nguyên liệu rẻ hơn, sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiều nhân công để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

“Bước ngoặt” thay đổi của ngành bây giờ là chuyển sang phát triển theo chiều sâu và tăng cường, chú ý nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng. Nghĩa là có thể không tăng nhiều khối lượng nhưng tăng phần Việt Nam được hưởng. Và đây cũng là xu hướng tất yếu, bởi lao động cũng chắc chắn không thể chịu đựng khi tiền lương thấp.

Hiện nay đã bắt đầu có tình trạng thiếu lao động, bởi doanh nghiệp mình không thể trả lương cao để cạnh tranh thu hút lao động, một phần là do các doanh nghiệp FDI quản trị tốt hơn, trả lương cao hơn. Thứ hai là tình trạng thanh niên đi xuất khẩu lao động với hy vọng thu nhập cao hơn. Ngay trong nước thì ngành gỗ cũng phải cạnh tranh với ngành khác. Ví dụ như một người phụ nữ có thể sẽ thích làm dệt may, giày da hơn, có vẻ sẽ ít vất vả hơn, hay các công ty làm đồ điện tử thì nhàn hơn. Do đó, sự thay đổi của ngành gỗ là tất yếu. Sử dụng công nghệ tiên tiến hơn, máy móc, tự động hóa nhiều hơn để giảm chi phí nhân công. Cùng với đó là cũng phải làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng nhiều hơn, nguyên liệu đầu vào thậm chí có thể ít hơn.

Hướng tự thiết kế, tung các sản phẩm dòng hoặc sản phẩm có thương hiệu cũng là một hướng để có chuyển biến tích cực trên con đường tiến hóa”.

Xét về thị trường, 3 quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất trong 5 tháng qua là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, với tỷ trọng lần lượt chiếm 20,6%; 19,2% và 6,7%.

“Doanh nghiệp thuê riêng một góc ngoài chứ không đi chung với hiệp hội”

Gạo và rau quả tiếp tục là 2 mặt hàng thế mạnh trong 5 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 2,65 tỷ USD và 2,59 tỷ USD, tăng mạnh 38% và 28%. Thế nhưng các doanh nghiệp đang bộc lộ những điểm yếu trong quá trình sản xuất và xuất khẩu.

Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả 4 tháng đầu năm và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm 2024 tổ chức ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng: “Khi chúng tôi đi hội chợ quốc tế, Trung Quốc trưng bày cả một không gian, nhưng với Việt Nam, có những doanh nghiệp vẫn thuê riêng một góc ngoài chứ không đi chung với hiệp hội hay bộ, ngành. Rõ ràng, nếu các doanh nghiệp không thay đổi thì không thể đi xa được”, đồng thời nhấn mạnh thêm, việc xuất khẩu gạo Việt Nam là nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo Trung An, hay một doanh nghiệp gạo nào khác. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể lớn lên được.

Nêu cụ thể những hạn chế trong xuất khẩu gạo và rau quả, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiết liên kết, chất lượng chưa ổn định, sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu; một số doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay các yêu cầu kèm theo ưu đãi từ các FTA; một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

Để đạt được mục tiêu phục hồi xuất khẩu, tăng khoảng 6% so với năm 2023, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, đàm phán mở cửa thị trường, ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại…

Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), dự kiến diện tích sản xuất lúa năm 2024 ước khoảng 7,09 triệu ha, năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023.

Dự kiến diện tích rau năm 2024 sản xuất khoảng 1.030 nghìn ha (tăng khoảng 30 nghìn ha so với 2023), năng suất dự kiến đạt 191,5 tạ/ha (cao hơn so với năm 2023 khoảng 0,5 tạ/ha), sản lượng dự kiến đạt 19,7 triệu tấn (cao hơn 2023 khoảng 624 nghìn tấn).

Nếu từ nay đến cuối năm, không có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì sản xuất lúa, rau năm 2024 đảm bảo kế hoạch đề ra về diện tích, năng suất, sản lượng; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đồng thời đảm bảo lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/top-mat-hang-nong-nghiep-xuat-khau-ty-do-trong-5-thang-hai-chu-cong-boc-lo-diem-yeu.html