Toquilla - cây mì tôm khiến nhiều người thích thú

Trên mạng xã hội mới đây liên tục lan truyền hình ảnh về một loại cây hình giống bắp ngô, nhưng lại có ruột giống mì tôm thu hút sự tò mò của nhiều người.

Loại cây hình giống bắp ngô, nhưng lại có ruột giống mì tôm được dân cư mạng gọi là "Cây mỳ tôm". Tuy nhiên "cây mỳ tôm" lại không chút liên quan đến bắp ngô hay mỳ tôm. Trên thực tế, đây là toquilla, một loài cây thuộc họ cọ, sống ở vùng nhiệt đới châu Mỹ và được tìm thấy nhiều ở Ecuador.

Toquilla, một loài cây thuộc họ cọ, sống ở vùng nhiệt đới châu Mỹ.

Cây cọ Toquilla có nguồn gốc từ cây thân thảo "Carludovica palmata", cao từ 1,5 m đến 2,5 m, có lá hình quạt. Các loài thuộc họ này có thân ngầm, thân rễ vì vậy chỉ có phần lá nhô lên khỏi mặt đất. Các lá lớn, màu xanh, với phiến lá xẻ sâu gần như tận gốc. .

Khi ra hoa, cây toquilla có hình giống bắp ngô, bên trong có các sợi xoắn vào với nhau, giống mì tôm còn nguyên trong gói chưa nấu. Đến khi nở hoa, các sợi bung ra trông giống mì tôm đã được nấu chín, rất đặc sắc và thú vị. Vì hình dáng này, người ta còn gọi vui nó là "cây mì tôm".

Những bông hoa của chúng cũng được sắp xếp rất đặc biệt. Chúng được hình thành bởi 5 bông được tạo thành từ một bông hoa cái chính giữa bao quanh bởi 4 bông hoa đực. Hoa cái nằm chìm bên dưới hoa đực và có 4 nhị rất dài trồi lên bề mặt.

Trong văn hóa của những người dân bản địa của Ecuador, cọ toquilla là một loài rất quan trọng. Toquilla là một loài cây mọc dại, nhưng ngày nay người ta thường nhìn thấy loài cây này được trồng nhiều ở vùng ven biển đất nước này.

Một chiếc mũ Panama chất lượng cao cần hơn 6 tháng để hoàn thành.

Toquilla nổi tiếng là nhờ phần lá của nó. Đây là nguyên liệu để tạo nên những chiếc mũ phớt Panama đắt giá nhất hành tinh. Thậm chí, có chiếc mũ Panama có giá lên tới 25.000 USD và được giới chuyên môn đánh giá rất cao do cách làm thủ công cực kỳ phức tạp.

Những chiếc mũ tinh xảo này thường được bán cho nhiều chính khách, thương nhân hay ngôi sao hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, loài quả của loài cây này còn được người dân Quechua vùng Nam Mỹ sử dụng như một loại thực phẩm và thuốc chữa bệnh.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/toquilla--cay-mi-tom-khien-nhieu-nguoi-thich-thu-post152849.html