Toyota Prado 2024: Giá 'chát' thêm nửa tỷ vì 'bia kèm lạc'

'Bia kèm lạc' - một khái niệm ví von để nói đến việc người có nhu cầu mua ô tô nếu muốn lấy được xe sớm, màu đẹp phải bỏ thêm tiền mua gói phụ kiện hoặc trả thêm tiền, đã trở thành hiện tượng phổ biến mỗi khi đi mua xe.

Toyota Lancuiser Prado một mẫu xe luôn hot tại thị trường Việt Nam nhiều năm qua. Mẫu xe được định vị dành cho những người có tiền, và dĩ nhiên, để sở hữu được nó không phải dễ dàng.

Mới đây, phiên bản Prado 2024 đã được ra mắt thị trường Việt Nam, giống như phiên bản tiền nhiệm, Prado mới luôn được người dùng săn đón, thậm chí nhiều người không ngại ngần bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để có thể sở hữu chiếc xe này

Không hướng tới số đông nên dòng xe sẽ có nhóm khách hàng đặc thù, thích sự hầm hố, khỏe khoắn đi các cung đường khó. Vì sức hút của xe nên giá để sở hữu chiếc xe này khiến nhiều người tò mò.

Vừa qua trên mạng xã hội, một bảng báo giá được cho là của khách hàng cá nhân chia sẻ đã gây tranh cãi khi người dùng muốn nhận xe phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn dưới danh nghĩa “phí môi giới giao xe sớm” lên đến hơn 500 triệu đồng. Cuộc “khẩu chiến” về giá "bia kèm lạc" bắt đầu từ đây.

Một số ý kiến của cư dân mạng như: Đừng dạy người giàu tiêu tiền; chỉ không có tiền mới đi so sánh thôi; "Ngáo" giá quá; Có tiền thì tôi mua Everest, 5 năm đổi một lần; Cứ có lạc là em không mua. Em chỉ mua giá niêm yết thôi;...

Những tranh luận trái chiều, nhiều quan điểm về những mẫu xe hot tại Việt Nam không còn lạ lẫm với một quản trị viên diễn đàn về cộng đồng ô tô lớn như anh Hồ Khắc Hùng - thành viên sáng lập diễn đàn Otofun. Mỗi người một ý, tùy thuộc vào nhu của mỗi người khi mua xe. Là người tiêu dùng, anh Hùng cho rằng hoàn toàn không ủng hộ quan điểm "bia kèm lạc" với tư duy “người có tiền thì nhận xe, người không có tiền thì nhận xét”.

Anh Hồ Khắc Hùng bày tỏ: “Với Prado những ngày gần đây trên diễn đàn bàn tán rất nhiêu, với khoản 'lạc' lên đến hơn 500 triệu đồng thì với đồng lương công chức thì rất nhiều năm mới có thể trả được khoản lạc đấy. Dưới quan điểm cá nhân, tôi không chấp nhận chi một số tiền lớn như thế”.

Những tranh luận về khoản phí môi giới lên đến nửa tỷ đồng tưởng chừng là điều vô lý trên mạng nhưng dần trở nên có lý khi phóng viên Đài Hà Nội tiếp cận một đại lý của Toyota trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Qua ống kính camera giấu kín, nhân viên kinh doanh của đại lý này đã hé lộ nhiều thông tin bất ngờ liên quan đến khoản phí môi giới gây tranh cãi.

Nhân viên kinh doanh Toyota (Thái Hòa, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chào giá: “Nếu anh lấy vào tháng 11, anh cộng cho em 500 triệu đồng, anh đưa trước cho em 200 triệu đồng, tính tổng 3 tỷ 450 triệu đồng, cộng với 500 triệu đồng là 3 tỷ 950 triệu đồng. Tiền ngoài hơn 500 triệu đồng sẽ chỉ thanh toán bằng tiền mặt, chứ không hóa đơn gì cả, nói chung là anh chỉ có duy nhất một phương án như thế, không còn cách nào khác”.

Lạ lùng hơn, mặc dù bỏ tiền tỷ nhưng người mua phải chấp nhận rất nhiều cái không: không báo giá, không hóa đơn và không nhận xe tại đại lý chính hãng; mọi hóa đơn chứng từ về chiếc xe đều không ghi nhận tại đại lý ủy quyền của Toyota. Muốn sở hữu xe sớm nhân viên này cũng không ngần ngại “ điều hướng” người mua sang một công ty khác để nhận xe dù tư vấn cho khách ngay tại đại lý ủy quyền của hãng.

Theo luật sư Nguyễn Phương Việt - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, lợi dụng thời điểm khan hàng với các mẫu xe hot để bán "bia kèm lạc" là một chiêu thức không mới trong kinh doanh nhằm tối ưu lợi nhuận của đại lý. Bằng cách tạo ra tâm lý khan hiếm, các đại lý dễ dàng thuyết phục khách hàng chấp nhận các điều kiện mua bán, trong đó có cả "phí môi giới". Điều này đặt ra nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

Luật sư Nguyễn Phương Việt - Giám đốc Công ty luật TNHH Hợp Phúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ: “Trước đây, 'bia kèm lạc' chỉ là phụ kiện đi kèm, tuy nhiên gần đây với trường hợp xe Prado thì lại xuất hiện khái niệm mới là phí môi giới. Đây là khoản tiền lớn có thể mua được một chiếc xe cỡ C. Tuy nhiên số tiền này không phải trả cho đại lý mà lại trả vào tài khoản cho nhân viên tư vấn, tạo rủi ro rất lớn nếu nhân viên nhận tiền rồi không giao xe thì người tiêu dùng không biết đòi ai và lúc này sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp và người mua rất dễ mất tiền”.

Ông Việt cho biết thêm, mặc dù các hãng xe đã đưa ra nhiều quy định nhằm hạn chế tình trạng bán xe "hai giá", nhưng thực tế, tình trạng vẫn diễn ra một cách công khai. Điều này khiến việc kiểm soát và quản lý của cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn.

“Việc mua hàng hóa số tiền lớn mà không xuất hóa đơn GTGT thì nhà nước sẽ thất thu thuế, ở đây là hai loại thuế là thuế GTGT và nhà nước sẽ không thu được thuế thu nhập của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, mà cá nhân được hưởng số tiền này sẽ sử dụng riêng không nằm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", Luật sư Nguyễn Phương Việt - Giám đốc Công ty luật TNHH Hợp Phúc, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ thêm.

"Bia kèm lạc" khi mua ô tô, câu chuyện từng chừng không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Không mới bởi năm nào các hãng xe cũng khuấy động thị trường bằng việc tung ra sản phẩm chiến lược kinh doanh của mình. Không cũ khi những chiếc xe mới luôn được những người ưa chuộng nhanh chóng “xuống tiền”, theo đó, những chiếc xe ô tô là một sản phẩm hàng hóa thông thường lại bỗng dưng được định vị lên một tầm cao mới, khoác trên mình một giá trị cốt lõi không nằm ở sản phẩm mà lại bị chi phối bởi sự khan hiếm vô hình.

Câu chuyện "bia kèm lạc" chắc chắn chưa thể có hồi kết nhưng cái kết dễ đoán định nằm ở chỗ người được lợi trong câu chuyện này thì chắc chắn không phải là khách hàng.

Đức Chung

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/toyota-prado-2024-gia-chat-them-nua-ty-vi-bia-kem-lac-278005.htm