TP.HCM: 184 DNTN sử dụng cụm từ 'bệnh viện' gây nhầm lẫn

Theo thống kê, TP.HCM có ít nhất 184 doanh nghiệp tư nhân (DNTN) sử dụng cụm từ 'bệnh viện' khi đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh tại Sở KH-ĐT, nhưng không hoạt động theo mô hình bệnh viện.

Một số trong đó buộc Sở Y tế TP.HCM phải cấp phép với tên gọi có cụm từ "bệnh viện" vì lý do phòng khám đăng ký lấy tên theo tên của doanh nghiệp đã được in trong giấy chứng nhận kinh doanh.

Theo quy định pháp luật Việt Nam, việc sử dụng từ “bệnh viện” trong tên gọi của các doanh nghiệp tư nhân hoặc tổ chức là không được phép nếu tổ chức đó không có chức năng y tế hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động như một bệnh viện.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong những năm gần đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, trong số đó đã có các phòng khám lợi dụng sự thiếu am hiểu của dân để đặt tên cơ sở khám chữa bệnh theo cách gây hiểu lầm. Cụ thể là cơ sở kèm thêm tên "bệnh viện" trên biển hiệu, khiến người dân vô tình đến khám chữa bệnh và sử dụng dịch vụ mà chưa tìm hiểu rõ đó có phải là bệnh viện hay không.

Công ty TNHH bệnh viện thẩm mỹ E-Star chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh đã mang tên “bệnh viện”

Công ty TNHH bệnh viện thẩm mỹ E-Star chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh đã mang tên “bệnh viện”

Qua kiểm tra của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2024, có 10 cơ sở kinh doanh đăng ký chữ "bệnh viện" trong tên doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật, bị xử lý vi phạm hành chính (6 phòng khám chuyên khoa, 3 phòng khám đa khoa, 1 cơ sở chăm sóc da, ngoài ra còn có 1 cơ sở hành nghề thẩm mỹ nhưng không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh).

Tên gọi “bệnh viện” chỉ được cấp phép sử dụng cho các cơ sở y tế có chức năng khám, chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Việc sử dụng tùy tiện cụm từ này mà không đáp ứng các điều kiện pháp lý có thể bị coi là vi phạm và dẫn đến các biện pháp xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có yếu tố lừa đảo hoặc gây thiệt hại cho cộng đồng. Nhiều phòng khám tư nhân sử dụng tên gọi có cụm từ 'bệnh viện' trên các quảng cáo, biển hiệu, gây nhầm lẫn cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ y tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị bộ, ngành và các đơn vị liên quan xem xét, bổ sung các quy định pháp lý về việc đặt tên cơ sở y tế, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phòng khám nhưng sử dụng danh nghĩa tên "bệnh viện". Tiếp theo là siết chặt quy trình cấp phép. Cụ thể là trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các quy định liên quan, đề nghị Sở KH-ĐT TP.HCM, phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện xem xét, siết chặt quy trình thẩm định và từ chối cấp phép đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở khám chữa bệnh có tên đăng ký không đúng hình thức tổ chức được quy định tại khoản 1, Điều 48, luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể là đối với các doanh nghiệp xin đăng ký tên có ngành hoạt động không phải là bệnh viện nhưng đặt tên có cụm từ "bệnh viện". Các doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký tên là "bệnh viện", trong trường hợp không đủ phạm vi hoạt động đầy đủ là một bệnh viện thì thực hiện việc điều chỉnh tên và không tiếp tục sử dụng từ "bệnh viện" trong tên gọi.

Đăng Khanh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tphcm-184-dntn-su-dung-cum-tu-benh-vien-gay-nham-lan-275122.htm