TP. HCM: Cho phục vụ ăn uống tại chỗ, nhiều hàng quán vẫn chưa mặn mà

Mở cửa hoạt động trở lại sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí, trong khi quy định phòng chống dịch làm hạn chế lượng khách hàng, buộc nhiều chủ nhà hàng phải cân nhắc trước việc mở cửa.

Ngày 25/10, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP. HCM cho biết vừa có tờ trình dự thảo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. HCM.

Một quán cà phê góc đường Huỳnh Đình Hai và Bạch Đằng thuộc quận Bình Thạnh vẫn còn đóng cửa.

Theo dự thảo, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. HCM chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, quy định không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu, bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó Sở Công thương TP. HCM cũng có tờ trình kiến nghị cho phép phục vụ ăn uống tại chỗ. Trong đó kèm một số quy định như việc phục vụ mỗi bàn 2 người, khoảng cách 2m mỗi bàn...

Theo ghi nhận của PV báo Nhà báo & Công luận, từ sáng 25/10 đã có một số quán cà phê bắt đầu rục rịch kê bàn để phục vụ khách hàng, bên cạnh cũng có nhiều quán chưa mặn mà phục vụ tại chỗ, vẫn áp dụng hình thức bán mang đi hoặc đóng cửa.

Quán cà phê Trung Nguyên trên đường Bạch Đằng, Q. Bình Thạnh chỉ bán bằng hình thức mang đi.

Chị Khánh Loan, chủ một quán cà phê ở P. 21, quân Bình Thạnh cho biết quy định bán tại chỗ chỉ cho phép tối đa 50%, mỗi bàn không quá 2 người và khoảng cách giữa các bàn tối thiểu 2 m thì rất khó hoạt động. Họ đi một nhóm người, 4-5 người thì phải tách ra thành mấy bàn là rất khó không phù hợp với thực tế.

Cùng ý kiến với chị Loan, anh Nguyễn Đình Nam (Q. Tân Bình) cho rằng, quy định khiến cho hàng quán rất hoang mang vì ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm quy định rất mỏng manh, nhất là việc giữ khoảng cách rất khó trong cùng một không gian.

Một quán cà phê tại một chung cư trên địa bàn quận Tân Phú.

Theo anh Nam, với những quy định quá chặt chẽ thì hàng quán rất khó để mở cửa hoạt động trở lại. Ăn uống thường thường đi số đông theo gia đình, bạn bè. Đến quán họ muốn ngồi với nhau, chẳng lẽ mình lại tách ra thành từng bàn. Nếu chúng tôi mở cửa trở lại, thì chỉ được đón một lượng khách hạn chế và có nguy cơ thua lỗ.

Anh Nguyễn Đình Nam tính toàn rằng, hiện nhà hàng không mở cửa thì tiền thuê được giảm 50%. Trong khi mình mở của trở lại thì tiền thuê lại tăng lên. Vì thế, cần phải cân nhắc kỹ trước khi mở cửa trở lại.

"Khi mở cửa thì áp lực đủ thứ, tiền mặt bằng, tiền điện, nước, tiền lương cho nhân viên... trong khi đó, nhà hàng mà không cho bán bia, rượu thì rất khó thu hút thực khách. Chúng tôi sẽ thăm dò rồi mới mở cửa trở lại. Vì mở cửa còn phải gọi nhân viên và chuẩn bị đủ thứ", anh Tuấn một chủ nhà hàng ở quận Gò Vấp nói.

Ông Tuấn cho rằng, nếu TP. cho phép mở bán tại chỗ thì nên chỉ quy định về công suất và phục vụ cho người có thẻ xanh Covid mà không kèm theo các điều kiện khác.

Nhà hàng khá e dè khi đón khách.

Bởi hiện nay thành phố đã cho phép người dân đi lại sinh hoạt bình thường và người đã tiêm 2 mũi vắc xin hay đã khỏi bệnh như hướng dẫn của ngành y được tham gia tất cả các hoạt động.

Điều này cũng tương tự nhiều nước đã thực hiện vẫn đảm bảo phòng chống dịch.

"Theo tôi, tùy theo diện tích và loại hình ăn, uống khác nhau thì mỗi quán sẽ tự chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân viên và cả khách hàng để sắp xếp việc giãn cách, bàn ghế phù hợp cho khách hàng", ông Tuấn nói.

Hoàng Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-cho-phuc-vu-an-uong-tai-cho-nhieu-hang-quan-van-chua-man-ma-post163327.html