TP.HCM chủ động phương án ứng phó dịch cúm H5N1

Hiện TP.HCM đang là địa phương có nguy cơ dịch bệnh cao vì mật độ lưu thông giữa các tỉnh thành lân cận rất lớn.

Trước thực trạng tại nước láng giềng Campuchia vừa phát hiện hai người mắc cúm H5N1, trong đó một người tử vong tại tỉnh Prey Veng- là khu vực biên giới hai nước, ngành y tế TP.HCM đã họp khẩn, chủ động lên các phương án giám sát. Bởi TP.HCM có mật độ giao thương, lưu lượng giao thông rất lớn, nguy cơ lây nhiễm cao.

Sẵn sàng kịch bản nếu có bệnh nhân H5N1

Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nơi chuyên tiếp nhận các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, đã sẵn sàng 20 giường hồi sức và 50 giường nhẹ hơn để tiếp nhận các ca H5N1 từ trung bình đến nặng nếu có bệnh nhân được chuyển về đây.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là nơi tiếp nhận các ca bệnh truyền nhiễm nặng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận chuyển về.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là nơi tiếp nhận các ca bệnh truyền nhiễm nặng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận chuyển về.

Trong đó, 20 giường hồi sức có thể chạy được ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), thở máy xâm lấn và thở máy không xâm lấn, chạy lọc máu liên tục. 50 giường nhẹ hơn sẽ tiếp nhận các ca từ trung bình đến nặng.

Khoa này cũng sẵn sàng nhân sự cố định và nếu tình hình dịch bệnh xảy ra với số ca tăng nhanh thì bệnh viện sẽ huy động nhân sự ở các khoa khác đến hỗ trợ, như đợt dịch COVID-19 vừa qua.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D cho biết, H5N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, là chủng cúm có độc lực cao, có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người. Đợt dịch H5N1 vào năm 2009, cách đây 14 năm, đã có nhiều ca bị viêm phổi, suy hô hấp nặng, tử vong rất nhanh.

Cũng theo bác sĩ Phong, dù đã tích cực điều trị, song tỉ lệ người bệnh tử vong do cúm A/H5N1 có thể lên tới 60- 70%. Đây là mối đe dọa không thua kém COVID-19. Do đó, việc phát hiện sớm để tránh trường hợp lây lan ra cộng đồng rất quan trọng:

"Chủ yếu là những người dân tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ, ví dụ như người có các triệu chứng hô hấp, phải tuân thủ đeo khẩu trang, tránh trường hợp tiếp xúc gần. Nếu nghi ngờ đàn gia cầm có dấu hiệu thì phải báo cơ quan chức năng xử lý ngay ổ dịch đó và theo dõi sát quá trình bệnh”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Ngăn chặn sớm nguy cơ dịch cúm

Hiện TP.HCM đang là địa phương có nguy cơ cao vì mật độ lưu thông giữa các tỉnh thành lân cận rất lớn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đang xây dựng nhiều phương án phòng dịch ở nhiều địa điểm có nguy cơ cao.

Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM có 20 giường hồi sức, thường xuyên được lau dọn, tu sửa để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nếu có ca H5N1.

Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM có 20 giường hồi sức, thường xuyên được lau dọn, tu sửa để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nếu có ca H5N1.

Ths.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, HCDC sẽ tăng cường hệ thống giám sát, phát hiện sớm tất cả những trường hợp có khả năng nghi ngờ nhiễm cúm H5N1.

Cụ thể, tất cả những trường hợp viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân đều được lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán. Tại cộng đồng, tăng cường giám sát phát hiện tất cả các chùm ca hô hấp, những trường hợp viêm hô hấp nặng có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm.

“HCDC sẽ phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM để giám sát tất cả những khu vực có chăn nuôi gia cầm, thủy cầm trên địa bàn thành phố cũng như khu vực chợ đầu mối chuyên kinh doanh gia cầm, thủy cầm và khu vực giết mổ. Giữa hai ngành luôn luôn có sự chia sẻ chặt chẽ về thông tin”, bác sĩ Lê Hồng Nga nói.

Bộ Y tế cũng vừa có công điện gửi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Công văn nhấn mạnh, điều kiện thời tiết Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Đồng thời các lễ hội sau Tết Nguyên đán vẫn tiếp tục được tổ chức, nên hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

Những người dân sát biên giới Campuchia có nguy cơ tiếp xúc và ăn gia cầm mắc bệnh rất lớn. Vì vậy, để tránh nhiễm bệnh cần tuyệt đối không ăn, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch từ Campuchia sang Việt Nam; không buôn bán, vận chuyển, ăn gia cầm ốm chết. Người dân nếu có các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, cần cách ly tránh tiếp xúc với người thân, đeo khẩu trang y tế và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời./.

Kim Dung/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tphcm-chu-dong-phuong-an-ung-pho-dich-cum-h5n1-post1004849.vov