TP.HCM có phương án dừng hoạt động các chợ đầu mối
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM đã yêu cầu tạm ngưng hoạt động các chợ đầu mối do phát hiện nhiều ca nhiễm.
Chiều 6/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp giao ban định kỳ về tình hình dịch bệnh tại thành phố.
Báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố đang điều trị cho 279 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại 9 bệnh viện. Trong đó, 6 người phải thở ECMO.
Nhận định về tình hình phòng, chống Covid-19 tại TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết đặc điểm của đợt dịch lần này có nguy cơ lây lan cao tại các khu chợ, nhà trọ, khu công nghiệp tập trung đông lao động... Lãnh đạo ngành y tế thông tin thêm xu hướng của dịch bệnh hiện nay là số ca mắc phát hiện qua khám sàng lọc trong cộng đồng ngày càng tăng.
Qua điều tra truy vết, những trường hợp này thường cư ngụ tại khu nhà trọ của công nhân, người buôn bán tại các chợ truyền thống, đặc biệt, dịch xuất hiện nhiều tại các chợ đầu mối trên địa bàn.
Để loại bỏ nguồn lây từ các chợ đầu mối, chợ truyền thống, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 sẽ tiếp tục đánh giá biện pháp phòng, chống dịch và yêu cầu các khu chợ không đảm bảo an toàn ngừng mua bán trực tiếp.
"Đơn vị nào có chợ truyền thống, chợ đầu mối cũng như khu công nghiệp, khu chế xuất không đảm bảo phòng, chống dịch bệnh phải ngưng hoạt động. Từ ngày hôm nay, coi như Ban Chỉ đạo thành phố đã có phương án chỉ đạo ngưng hoạt động các chợ đầu mối của thành phố", ông Bỉnh thông tin.
Trước đó, TP.HCM đã đóng cửa 2/3 chợ đầu mối là chợ Hóc Môn và chợ Bình Điền, chỉ còn chợ Thủ Đức vẫn hoạt động.
Ngày 28/6, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch Tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ 29/6 đến 10/7 với nhiều giải pháp cụ thể như: Tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm; tăng giám sát nhóm nguy cơ cao...
TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ). Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận.
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sáng 5/7, TP.HCM thống nhất sẽ kiểm soát người ra, vào thành phố bằng cách kiểm tra kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 qua mã QR code.
Trong ngày 6/7, Việt Nam có thêm 1.019 ca bệnh ghi nhận trong nước tại TP.HCM (710), Đồng Tháp (99), Bình Dương (92), Phú Yên (41), Long An (14), Hà Nội (12), Đồng Nai (11), An Giang (11), Hưng Yên (6), Bắc Giang (5), Thanh Hóa (4), Bắc Ninh (3), Nghệ An (3), Vĩnh Long (2), Hà Nam (2), Lạng Sơn (2), Trà Vinh (2). Trong đó, 872 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc vùng đã được phong tỏa.
TP.HCM hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-co-phuong-an-dung-hoat-dong-cac-cho-dau-moi-post1235360.html